Tiêu chí ngày càng cao
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, diện mạo nông thôn tỉnh ta có nhiều khởi sắc với các công trình cơ sở hạ tầng được xây mới khang trang; sự tăng trưởng vượt bậc của các chỉ số kinh tế như: thu nhập, hộ nghèo, giá trị trên 1ha đất canh tác...
Tuy nhiên, với những thách thức và khó khăn cận kề của giai đoạn 2016 - 2020, yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi cần có sự thay đổi, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới.
Để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, ngày 17-10-2016, Chính phủ đã có Quyết định 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, thay thế Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ tiêu chí mới có tới 49 chỉ tiêu, nhiều hơn 10 chỉ tiêu so với bộ tiêu chí cũ theo quyết định số 491.
Trong đó tăng thêm một số nội dung về cơ sở vật chất văn hóa, hình thức tổ chức sản xuất, môi trường, tiếp cận pháp luật... Cụ thể, để đạt được chuẩn nông thôn mới, các xã phải có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định.
Xây dựng được mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững. Bên cạnh đó, xã đạt chuẩn phải tiếp cận pháp luật theo quy định...
Thêm vào đó, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến năm 2020 tăng lên hơn 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 2%.
Sự thay đổi của các chỉ tiêu theo xu hướng yêu cầu ngày càng cao đặt ra những thách thức không hề nhỏ cho tất cả các xã, đặc biệt là các địa bàn khó khăn. Tại xã Xuân Thiện (Kim Sơn), năm 2016, thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 19,7 triệu đồng.
Đồng chí Đinh Tư Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện cho biết: Xuất phát là một xã thuần nông, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Xuân Thiện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích kinh tế như: dạy nghề, hỗ trợ phát triển mô hình VAC, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu trên đất 2 lúa và đất vườn...
Song với xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý không thuận lợi nên việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, xã đặt ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành 11 tiêu chí.
Hướng đến nhu cầu thiết thực của người dân nông thôn
Có thể thấy rằng, việc điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới đòi hỏi các địa phương cần thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí hiện có.
Bên cạnh đó, một số tiêu chí như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại, thông tin truyền thông, được phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố quy định tỷ lệ, định mức cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, nhu cầu của cộng đồng cũng như đặc điểm văn hóa của từng dân tộc.
Như vậy, không chỉ đơn thuần là nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn hướng đến những nhu cầu thực chất của chính người dân nông thôn, qua đó góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Hoa Lư là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong giai đoạn mới, theo Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 5-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Bùi Duy Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết: Sau 5 năm, các huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được khảo sát, đánh giá lại kết quả các tiêu chí để tiến hành công nhận lại. Vì vậy, huyện Hoa Lư vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, giảm nghèo, đảm bảo các địa phương trong địa bàn huyện đạt được tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ.
Xã Ninh Mỹ (Hoa Lư) được ghi nhận là điểm sáng trong việc thực hiện tiêu chí môi trường. Đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho biết: Hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới, Ninh Mỹ vinh dự được lựa chọn làm điểm nâng cấp lên mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với đó, để thực hiện tốt các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới, Đảng bộ và chính quyền xã quyết tâm thực hiện tốt tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17) với 8 chỉ tiêu đặc biệt, trong đó yêu cầu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP.
Còn đối với xã Kim Đông, với đặc điểm kinh tế chủ yếu dựa vào việc nuôi trồng thủy sản, các chỉ tiêu theo bộ tiêu chí nông thôn mới cũng đòi hỏi Đảng bộ và chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, cùng với đó là thực hiện tốt việc quản lý các cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Theo đồng chí Trần Đức Thuận, Chủ tịch UBND xã Kim Đông: Xã sẽ tiếp tục phát triển sản xuất phát huy lợi thế của vùng bãi ngang, đó là nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả, đồng thời vận động người dân tích cực cải tạo vườn tạp, đất gò đầm trồng các loại cây ăn quả xen canh.
Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cùng phối hợp với đơn vị thực hiện tốt công tác dự báo, thông báo về diễn biến thời tiết, vận động nhân dân thực hiện đúng mùa vụ để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong việc nuôi trồng.
Cùng với đó, quản lý nguồn nước thải sản xuất, chất thải tại các chợ đầu mối, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn. Mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ nhu cầu thực chất của người dân.
Thái Học