Nỗi lo thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất
Năm 2013, xã Cúc Phương được đầu tư xây dựng Nhà máy cấp nước sạch và được đặt tại thôn Nga 2 với tổng kinh phí 5 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 3/10 thôn của xã với 350 hộ. Các thôn còn lại sử dụng nước giếng đào, nước mưa, nước ở các khe núi.
Đặc biệt từ nhiều năm nay, người dân ở 3 thôn Sấm 1, Sấm 2, Sấm 3 phải lấy nước trực tiếp từ các mạch nguồn trên núi, dẫn qua đường ống xuống bể chứa phía chân núi rồi chia cho các hộ trong thôn để dùng làm nước ăn uống, tắm giặt hàng ngày. Nguồn nước mà người dân sử dụng đều do họ tự đào, tự tìm mạch nước, thấy nước không có mùi, màu hay vị lạ là yên tâm sử dụng.
Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn thả gia súc trên đồi, núi như hiện nay, chất lượng những nguồn nước này cũng chưa được đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Chị Nguyễn Thị Luyện, thôn Sấm 3 cho biết: Từ trước đến nay, gia đình tôi vẫn luôn sử dụng nguồn nước được lấy từ trên núi xuống để phục vụ sinh hoạt của gia đình, từ ăn uống đến tắm giặt. Tuy nhiên 2, 3 năm trở lại đây, vào mùa khô hạn, nguồn nước trên núi cũng rất ít, không đủ đáp ứng cho sinh hoạt của gia đình cũng như người dân trong thôn.
"Vào mùa hạn hán, nước trên các mạch nguồn rất ít, chúng tôi phải lên tận đầu nguồn trên núi để lấy nước về, đi lại rất vất vả mà nguồn nước cũng không nhiều. Mọi người trong thôn cũng luôn nhắc nhở nhau sử dụng nước tiết kiệm nếu không sẽ không có nước để sinh hoạt"- chị Luyện chia sẻ.
Anh Đinh Văn Tuấn, Trưởng thôn Sấm 3 lo lắng: Từ trước đến nay người dân thôn Sấm 3 nói riêng và các thôn Sấm 1, Sấm 2 đều sử dụng nguồn nước lấy từ trên núi xuống để phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Mùa mưa thì tạm đủ, song mùa khô thì thiếu nước trầm trọng, chưa kể chất lượng nguồn nước không được đảm bảo do không hề được kiểm tra. Không chỉ có vậy, việc chăn thả gia súc cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước này.
Một số thôn khác trong xã sử dụng nước giếng do người dân tự đào cũng không được đảm bảo về chất lượng vì nước có đá vôi, luôn có cặn.
Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến cả sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Đồng chí Đinh Thúc Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương cho biết: Khoảng 2 năm trở lại đây, hạn hán kéo dài khiến cho không chỉ nguồn nước sinh hoạt mà nguồn nước phục vụ sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều diện tích cấy lúa trên địa bàn xã đã phải chuyển đổi sang cây trồng khác như mía, ngô, khoai, cỏ voi....
Hiện nay, mỗi năm người dân trên địa bàn xã chỉ trồng được 1 vụ lúa nhưng diện tích cũng bị giảm đi đáng kể, như 3 thôn Đồng Quân, Đồng Tâm và Đồng Bóp trước đây canh tác được 80 ha lúa thì nay giảm xuống còn gần 30 ha; 3 thôn Sấm 1, Sấm 2 và Sấm 3 trước có gần 5 ha cấy lúa thì giờ chỉ còn 0,7 ha. Cũng từ việc thiếu nước sản xuất mà năng suất các cây trồng ở đây không cao, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Đâu là giải pháp?
Do đặc thù là xã vùng cao nên nguồn nước sinh hoạt của người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa, nước trên đồi, núi…, còn nước sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Vì vậy, thiếu nước sạch sinh hoạt và nước phục vụ sản xuất là vấn đề nan giải của Cúc Phương.
Khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, xã Cúc Phương đã và đang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi việc trồng lúa sang trồng các loại cây công nghiệp ưa hạn như mía, cỏ voi, ngô, khoai, sắn...
Đồng thời, tiến hành xây dựng các hồ chứa nhỏ để nắn dòng như xây hồ Bãi Dốc, hồ Nga, hồ Đồng Tâm và hồ Đồng Bóp. Tuy nhiên, hiện nay các hồ này cũng khá nhỏ, không có khả năng chứa nước lâu dài.
Do vậy, việc tiếp tục hỗ trợ địa phương xây dựng các hồ chứa nhỏ và xây kênh mương cứng với hệ thống máng nổi dẫn nước từ trên núi cao để tránh thẩm thấu, thoát nước là giải pháp hữu hiệu trong tương lai.
Đồng chí Đinh Thúc Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương cho biết thêm: Hiện nay, thiếu nước sinh hoạt đang là bài toán khó đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.
Bởi lẽ, địa hình xã phức tạp, việc khoan giếng nước cũng rất khó khăn vì vướng đá ngầm, khó tìm thấy mạch nước, đấy là chưa kể kinh phí cho một mũi khoan giếng là 15 triệu đồng.
Số tiền này đối với người dân vùng cao còn nghèo như Cúc Phương là cả tài sản lớn. Về lâu dài, với tình trạng biến đổi khí hậu theo hướng gia tăng hạn hán thì việc đầu tư nâng cấp nhà máy nước ở địa bàn xã là cần thiết.
Theo công suất thiết kế, Nhà máy nước Nga 2 có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho 10/10 thôn của xã. Song do hiện nay công suất máy bơm có hạn và bể chứa nước nhỏ, các đường dẫn ống nước chưa đủ nên nhà máy này mới vận hành được 1/3 công suất.
Do đó, xã mong muốn các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nâng cấp Nhà máy nước Nga 2, phấn đấu sẽ có khoảng 50% dân số trong xã được dùng nguồn nước từ nhà máy này.
Cũng theo đồng chí Đinh Thúc Chiến, trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất, xã chỉ đạo các thôn tập trung khơi thông, nạo vét các giếng khơi để lấy nước dùng và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc chăn thả gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, về lâu dài Cúc Phương vẫn cần các giải pháp đồng bộ và dài hơi, trong đó chú trọng công tác đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước tại các vùng thiếu nước của địa phương.
Đồng chí Đinh Thúc Chiến đề xuất: Nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn xã Cúc Phương đều muốn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ các nhà máy nước.
Riêng các thôn Sấm 1, 2, 3 do địa hình khó khăn, phức tạp và hiện tại người dân phải lấy nước từ các khe suối, rất vất vả mà chất lượng nước lại không đảm bảo.
Do đó, Cúc Phương rất mong các cấp, các ngành tạo điều kiện về nguồn vốn để đầu tư xây thêm 1 nhà máy nước cho các thôn này.
Ngoài ra, xã cũng đề nghị tỉnh, huyện cho Cúc Phương được khai thác lại nguồn nước trước đây của Nông trường Phùng Thượng đã khoan để có thể xây dựng trạm bơm đặt ở thôn Đồng Quân. Như vậy, đảm bảo 100% thôn của xã được dùng nước sạch.
Những đề xuất và mong muốn của người dân Cúc Phương là hoàn toàn xác đáng. Nguyện vọng này cần được các cấp, các ngành quan tâm xem xét để người dân vùng cao sớm ổn định sản xuất, sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mai Lan