Bên cạnh những thuận lợi, thị trấn Yên Ninh vẫn còn những khó khăn như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa vững chắc, thu hút đầu tư chậm, dịch vụ còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa quy hoạch được nhóm, tổ hợp sản xuất để hợp tác sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường. Việc chuyển dịch cơ cấu giống con nuôi, cây trồng và tiếp thu tiến bộ KHKT vào sản xuất còn chậm, chưa xây dựng được các vùng chuyên canh, hiệu quả sản xuất chưa cao, công tác quản lý điều hành một số khâu dịch vụ của các HTX còn hạn chế...
Từ kết quả khảo sát đó, Sở và các đơn vị liên quan đã thống nhất những nội dung cụ thể cần giúp đỡ, hỗ trợ thị trấn. Trong đó Sở Công thương đã tập trung giúp thị trấn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại trên địa bàn thông qua những việc làm cụ thể như: Tổ chức kiểm tra, khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của làng nghề bún bánh Yên Ninh; giúp đỡ thị trấn Yên Ninh khắc phục các tồn tại của hệ thống lưới điện; vận động, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hướng dẫn thị trấn xây dựng quy chế chuyển đổi mô hình quản lý chợ Ninh; phổ biến kiến thức về ATVSTP và bảo vệ môi trường cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn… Với những hỗ trợ thiết thực này, Sở đã góp phần giúp thị trấn Yên Ninh giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội...
Cùng với Sở Công thương, nhiều đơn vị khác với phương châm "xã là chính, cơ quan, đơn vị phụ trách là quan trọng, doanh nghiệp kết nghĩa là cần thiết" đã cùng vào cuộc giúp đỡ các xã đặc thù. Trong đó, kết quả được thể hiện rõ nét trên lĩnh vực phát triển kinh tế. Các cơ quan, đơn vị phụ trách đã tiếp tục tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ xã trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu, tạo việc làm cho lao động địa phương; đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa; chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao; quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác chuyên ngành; một số đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, hội viên của xã đặc thù đi tham quan, học tập kinh nghiệm và triển khai các mô hình kinh tế mới có hiệu quả cao; tư vấn, bàn các giải pháp giúp các xã, thị trấn đặc thù giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn…
Trong xây dựng nông thôn mới đã tư vấn, giúp đỡ các xã đặc thù về công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở xã, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, di tích lịch sử văn hóa, nhà bia, đài tưởng niệm liệt sĩ; tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường giao thông nông thôn; xây dựng, nạo vét kênh mương, thủy lợi nội đồng; nâng cấp hệ thống lưới điện, nước sạch nông thôn; hỗ trợ chương trình thắp sáng đường quê; tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông…, do vậy nhiều xã đã hoàn thiện và củng cố thêm được nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị cũng được quan tâm. Các đơn vị phụ trách tiếp tục hướng dẫn việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; đổi mới phương thức, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; hướng dẫn đảng ủy xã chỉ đạo tổ chức thành công đại hội các chi bộ trực thuộc, đại hội các tổ chức đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh và bầu trưởng thôn, xóm, phố; hướng dẫn triển khai việc sắp xếp đội ngũ cán bộ bán chuyên trách cấp xã, cấp thôn, xóm, tổ dân phố. Đồng thời tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Hỗ trợ các trang thiết bị tạo điều kiện cho cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở xã làm việc hiệu quả hơn…
Các kết quả hỗ trợ về an sinh xã hội cũng là điểm nhấn quan trọng trong triển khai Quyết định 140 năm vừa qua. Nhiều cơ quan, đơn vị phụ trách tích cực tổ chức các hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi; tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chiếu phim nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân địa phương…
Với những cách làm cụ thể, thiết thực đó, năm 2018 các cơ quan, đơn vị phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa đã giúp đỡ, hỗ trợ các xã đặc thù với tổng kinh phí trên 21,7 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí giúp đỡ, hỗ trợ từ khi triển khai thực hiện Quyết định 140 đến nay lên 48 tỷ đồng. Đặc biệt, với sự giúp đỡ, hỗ trợ có hiệu quả của cơ quan, đơn vị phụ trách và doanh nghiệp kết nghĩa, năm 2018 đã có thêm nhiều xã đặc thù vươn lên phát triển toàn diện và về đích nông thôn mới, nâng tổng số xã đặc thù đạt chuẩn nông thôn mới từ khi triển khai Quyết định 140 đến nay lên 17/56 xã, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đào Duy