Cùng dự có đồng chí Đinh La Thăng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông- vận tải, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia; các ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Tại điểm cầu Ninh Bình, có đồng chí Đinh Văn Điến, TVTU, Phó chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí trong Ban ATG tỉnh cùng tham dự hội nghị. Năm ATGT 2013, với chủ đề "nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông", Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thực hiện nhiều nội dung mới và đột phá trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, làm tình hình trật tự ATGT trên địa bàn cả nước có nhiều chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí vế số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) và là năm thứ 2 số người chết vì TNGT tiếp tục giảm xuống dưới 10.000 người.
Tại Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự cố gắng nỗ lực của các sở, ban, ngành, các lực lượng chức năng trong đó lực lượng công an và ngành giao thông là nòng cốt đã triển khai thực hiện quyết liệt, liên tục đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, góp phần làm tình hình trật tự ATGT năm 2013 trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng nào xảy ra.
Toàn tỉnh đã xảy ra 217 vụ tai nạn giao thông, làm chết 75 người, bị thương 172 người. So với cùng kỳ năm 2012, giảm 8 vụ (-3,6%), giảm 4 người chết (-5,1%), giảm 3 người bị thương (-1,7%). Trong đó: Đường bộ xảy ra 212 vụ, làm chết 70 người, bị thương 172 người; đường sắt xảy ra 4 vụ làm 4 người chết; đường thủy xảy ra 1 vụ làm 1 người chết. Tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn toàn tỉnh cũng được hạn chế, không còn ùn tắc kéo dài trên đường bộ và chậm tàu do sự cố đường sắt.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí cao báo cáo của Ủy Ban ATGT quốc gia, và chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay của địa phương mình để cùng thảo luận và học tập đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị trình Ủy ban ATGT quốc gia xem xét giải quyết.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả đã đạt được trong năm 2013, bên cạnh đó phê bình nghiêm khắc các tỉnh để TNGT gia tăng và yêu cầu phải rút kinh nghiệm nghiêm túc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, tình hình TNGT còn diễn biến phức tạp; Nhận thức của lãnh đạo đơn vị và địa phương về vai trò trong đảm bảo ATGT còn chưa đầy đủ; Một số văn bản ban hành chậm kế hoạch; Quản lý vận tải đường bộ, đường thủy còn buông lỏng, thanh tra kiểm soát còn yếu, còn có hiện tượng tiêu cực; sự phối hợp giữa thanh tra giao thông và lực lượng công an có nơi chưa tốt; Hiện tại, TNGT đã giảm nhưng chưa mang tính bền vững.
Vì vậy các cấp ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa các giải pháp đồng bộ, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT; quyết tâm thực hiện chủ đề năm ATGT năm 2014 là: "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện".
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2014, các Bộ ngành, địa phương tập trung vào 5 nhiệm vụ, trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm TTATGT, giảm ùn tắc giao thông.
Tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa ở các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải, người điều khiển phương tiện.
Đẩy mạnh hoạt động thanh tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, hành vi chở quá tải trọng phương tiện trong vận tải hàng hóa.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT; tiếp tục nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Để đạt được những kết quả giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện 5 giải pháp cơ bản: triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí Thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Phát động phong trào thi đua nâng cao ý thức trách nhiệm của người thực thi công vụ trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, tăng cường giáo dục, quán triệt cho cán bộ, công chức, chiến sỹ và thanh tra chuyên ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm; Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT, hoàn thiện văn bản QPPL, khắc phục kịp thời những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai, đẩy mạnh việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản QPPL về TTATGT để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; và chống ùn tắc giao thông.
Kiều Ân-Đức Lam