Tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cho biết, nếu được Chính phủ thông qua Ðề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ, TCCN, khoảng tháng 9-2008, Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ công bố kế hoạch chi tiết triển khai chủ trương này.
Theo đó, có sáu môn thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó có ba môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ), ba môn khác do thí sinh tự quyết định trong số năm môn còn lại theo quy định của kỳ thi (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Ðịa lý). Phần lớn các môn thi sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm.
Ðể xét tuyển vào ÐH, CÐ, TCCN, Bộ Giáo dục và Ðào tạo quy định khung tiêu chí tuyển sinh gồm số môn thi văn hóa, môn thi năng khiếu, các tiêu chí khác...
Ðề thi THPT quốc gia có khoảng 60% số điểm tương ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức, kỹ năng THPT để công nhận tốt nghiệp; khoảng 40% số điểm tương ứng với nội dung trong chương trình THPT nhưng khó hơn, để phân loại trình độ, xét tuyển ÐH, CÐ. Kết quả điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh đã được cấp bằng tốt nghiệp THPT được bảo lưu để đăng ký xét tuyển trong vòng ba năm đối với ÐH, CÐ và năm năm đối với TCCN.
Học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia nếu không đỗ tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ công nhận hoàn thành 12 năm học phổ thông.
Chứng chỉ đó có thể dùng để tham gia xét tuyển các khóa đào tạo nghề, hoặc năm sau đăng ký thi lại để lấy bằng.
Theo ND