"Muôn kiểu" học thêm… Trong nhiều câu chuyện về học thêm, chúng tôi khá ngạc nhiên với câu chuyện của mấy chị vừa có con thi vào lớp 10 THPT năm học 215-2016. Một chị có con gái thi vào lớp chuyên ngoại ngữ kể: Khi con bước vào lớp 9, bắt đầu tìm hiểu thông tin về các giáo viên dạy ngoại ngữ giỏi để xin học cho con. Tìm đến nhà một cô giáo có tiếng dạy ngoại ngữ ở bậc THPT, nghe cô trả lời chị đến hơi muộn vì đã xếp lớp kín lịch trong tuần, chị đã vô cùng thất vọng. Nhưng niềm vui chợt đến ngay khi cô thông báo, còn duy nhất khoảng thời gian từ 4- 6 giờ sáng là có thể học được, nếu gia đình có nhu cầu thì cô xếp lớp. Mừng như "bắt được vàng", chị vội rủ thêm mấy phụ huynh cùng có con ôn thi ngoại ngữ đăng ký học cho con. Giai đoạn cả năm trời đưa con đi học thêm vào cái giờ "chéo nghoe" như thế mới thật là gian nạn. Mưa hay nắng, đông hay hè, vì sợ chồng biết sẽ cấm không cho con học nên cứ 3h30 phút sáng vào những ngày đi học, chị lặng lẽ gọi con dậy rồi hai mẹ con nhẹ nhàng dắt xe ra khỏi nhà. Có hôm học muộn vì các cháu ngủ dậy muộn, ca học phải 6h30 phút mới kết thúc, chả kịp về nhà, cả hai mẹ con đi thẳng đến trường, mua tạm cho con cái bánh mì ăn trên đường…
Chưa hết ngạc nhiên và bất ngờ với lịch học lúc nửa đêm, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện của các bậc phụ huynh trong quá trình đi tìm hiểu về câu chuyện dạy thêm, học thêm đang thu hút sự quan tâm của xã hội. Trong câu chuyện với chúng tôi, phần lớn phụ huynh tuy sẵn sàng kể nhưng lại không muốn nêu tên vì sợ ảnh hưởng đến việc học của con. Vì lý do tế nhị đó nên trong bài viết, chúng tôi sẽ không nêu đích danh. Kể về hành trình đi đến kết quả con thi đỗ vào một lớp chuyên của Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy vừa qua, chị T.T.L (phường Đông Thành) cho biết: Khi chọn môn để con thi vào lớp 10 chuyên, tôi đã cho con tham gia 3 lớp học thêm. Một lớp học thêm của chính giáo viên dạy bộ môn đó ở lớp để giữ "mối quan hệ" với cô. Một lớp học để ôn thi cùng các bạn trong lớp và một lớp, quan trọng nhất là lớp mà giáo viên này có nhiều học sinh thi đỗ, nổi tiếng là dạy và ôn tập khá "sát" đề thi.
Với lịch học sát sao, bởi 1 môn học 3 giáo viên, trong khi thi vào lớp 10 chuyên yêu cầu 4 môn học là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và môn chuyên nên hầu như cả tuần, mẹ con chị T.T.L không có mặt ở nhà, chỉ trừ giờ ngủ tối. Lịch học được mẹ nắm kỹ để đưa đón con đi học. Khoảng thời gian con ôn thi (thường là tập trung ở lớp 9), chị L bỏ hẳn việc kinh doanh của gia đình để ở nhà chợ búa, lo cơm nước và đưa đón con đi học thêm. Chị kể: bữa tối của con thường là ở ngay trước cửa nhà giáo viên dạy thêm hoặc ngồi nhờ nhà hàng xóm gần nơi học. Bởi ngoài 2 buổi học tại trường, với lịch học thêm kín mít cả tuần, nhất là chỉ từ 17 giờ chiều đến đêm, có ngày 3 ca nên không có thời gian chở con về nhà ăn cơm. Có đêm, 11 giờ mới về đến nhà, thấy con mệt nhoài vì học, vừa thương con nhưng lại nghĩ: phải cố gắng mới hy vọng đỗ nên mẹ con phải động viên nhau vượt qua khó khăn… Con nhiều khi mệt không ăn được, mẹ thường phải xúc cơm, động viên để con ăn.
Học thêm bây giờ diễn ra quanh năm. Với học sinh cấp THCS, THPT, ngoài giờ lên lớp buổi sáng, các buổi chiều tại trường, rất nhiều em còn "chạy xô" với các lớp học thêm từ 17 giờ trở đi cho đến 21, 22 giờ tối, thậm chí là 23 giờ đêm.
Cần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào "khuôn khổ"
Thực tế ở địa phương nào cũng có hoạt động dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hoạt động này có chiều hướng diễn ra phổ biến hơn các địa phương khác. Nếu dạy thêm, học thêm theo đúng quy định về việc cấp phép dạy thêm của ngành Giáo dục thì không có gì đáng bàn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu ý kiến của nhiều bậc phụ huynh cho thấy, dạy thêm, học thêm đang bị "lạm dụng" theo chiều hướng thiếu tích cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ 2 phía: nhu cầu của các bậc phụ huynh muốn cho con em được bồi dưỡng nâng cao kiến thức, muốn con em có thành tích học tập tốt hơn…
Về phía người dạy, do thu nhập từ việc dạy thêm nhiều khi cao hơn nhiều so với mức lương được hưởng ở trường nên cũng có nhu cầu tổ chức các lớp dạy thêm. Điều đáng bàn ở đây là, liệu những lớp học vào ban đêm với thời gian đi ngược lại nhịp sinh học của các cháu đang ở độ tuổi thiếu niên, liệu với ngày 3 ca học thêm từ 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm có đảm bảo cho sức khỏe, sự phát triển lành mạnh về cả thể chất và trí tuệ của trẻ? Liệu sau những lớp học thêm kể trên, con em chúng ta có học giỏi hơn, có đạt thành tích xuất sắc hơn không? Câu hỏi này xin gửi cho các bậc phụ huynh và cả cho những nhà giáo có lương tâm và trách nhiệm với sự nghiệp "trồng người".
Tại Thành phố Ninh Bình, vốn là "điểm nóng" trong vấn đề dạy thêm, học thêm, phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố đã có những động thái tích cực để quản lý, chấn chỉnh tình trạng này. Năm học nào cũng vậy, sau khi năm học vừa kết thúc, phòng Giáo dục thành phố đã có công văn gửi các nhà trường trên địa bàn để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định, nhất là ở cấp tiểu học. Tuy nhiên tình trạng này đến nay chưa có chuyển biến mạnh.
Theo lãnh đạo phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố, một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng dạy thêm, học thêm khó quản lý và "nằm" ngoài tầm kiểm soát của ngành là do một số giáo viên đã nghỉ hưu, không thuộc đối tượng quản lý của ngành nhưng có uy tín, kinh nghiệm nên vẫn mở lớp dạy thêm. Số giáo viên khác lại thuộc đối tượng công tác tại các trường ở huyện khác nhưng cư trú tại địa bàn thành phố cũng tổ chức các lớp dạy thêm mà lại không thuộc đối tượng quản lý của thành phố. Những giáo viên bậc THPT tổ chức dạy thêm không thuộc quyền quản lý của phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố. Để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như phòng Giáo dục thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất tại các phòng giáo dục-đào tạo các huyện, thành phố, các trường học, khuyến khích nhân dân phản ánh khi phát hiện các cơ sở tổ chức dạy thêm trái quy định để xử lý theo quy định của ngành.
Thiết nghĩ, để tình trạng dạy thêm, học thêm đi vào nề nếp, chính suy nghĩ, nhận thức của các bậc phụ huynh là yếu tố quan trọng để làm thay đổi và chuyển biến việc dạy thêm, học thêm. Quy luật của thị trường "có cầu ắt có cung" có vẻ như đúng trong hoàn cảnh này.
Lý Nhân