Về Kỳ Phú đúng mùa thu hoạch nếp Cau, tôi được chứng kiến không khí thật náo nhiệt. Với sự góp mặt của những chiếc máy gặt đập liên hợp, chỉ sau vài ba ngày, cánh đồng lúa trĩu hạt nay chỉ còn chỏng chơ gốc rạ, một vài con trâu thành thơi nằm nhai cỏ. Tranh thủ nắng đẹp, người dân tập trung phơi những mẻ thóc mới, thứ thóc lạ kỳ, không có màu vàng mà nhuốm màu cau khô đúng như tên gọi của nó "nếp hạt Cau" được trải tràn từ nhà ra đường, thậm chí được để nguyên bông, bó thành từng bó, vắt lên dây phơi, gác trên nóc nhà. Dường như không một ai đứng ngoài cuộc trong vụ thu hoạch này, nhà nhà, người người làm lúa. Chạy dọc con đường bê tông thẳng tắp dẫn về bản Thường Sung, gia đình nào cũng có một sân đầy thóc trước cửa. Thanh niên, người già, trẻ em mỗi người mỗi việc, người phơi, người rê lúa, đóng bao, tết chổi… làm nên bức tranh vùng cao đầy màu sắc, gắn kết và no ấm.
Phấn khởi vì năm nay được mùa, bà Bùi Thị Vương, bản Thường Sung chia sẻ: "Gia đình tôi sản xuất lúa nếp hạt Cau từ nhiều đời nay rồi. Trước đây, năng suất lúa đạt thấp nhưng gần đây, được các cấp quan tâm, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống đã được phục tráng nên năng suất, chất lượng tăng lên đáng kể. Năm nay với 7 sào nếp hạt Cau gia đình tôi thu về hơn 1 tấn lúa, giá bán 15-16 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng lãi được 11-12 triệu đồng.
Chúng tôi tìm đến nhà Trưởng bản Thường Sung Quách Văn Đức. Đang cầm cào nhẹ nhàng đảo qua, đảo lại đám lúa màu nâu trên mảnh sân trước nhà, thấy có khách đến, anh Đức tưởng thương lái đến hỏi mua lúa, bèn nói: "Lúa năm nay để làm giống rồi, không bán đâu". Sau khi nghe chúng tôi giới thiệu là phóng viên muốn tìm hiểu về giống lúa đặc sản của vùng, anh mới kể cho chúng tôi nghe: Giống nếp này có từ rất lâu rồi, từ đời ông, đời cha. Giống này rất kén đất, nó chỉ thơm, ngon và có mùi vị đặc trưng khi gieo cấy trên những thửa ruộng quanh nguồn nước khoáng của bản mà hiện nay Công ty nước khoáng Cúc Phương vẫn đang khai thác. Sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên nên năng suất thường rất thấp. Trong vùng, nhà nào cũng trồng giống nếp này nhưng chủ yếu chỉ để dùng trong gia đình vào những dịp lễ, Tết hoặc làm quà biếu cho khách quý. Giống nếp này khi chín vỏ lúa màu cau khô, hạt gạo tròn, trắng đục. Trong nhà mà nấu xôi bằng thứ gạo này thì mùi thơm bay ra tận đầu ngõ. Xôi để 2 đến 3 ngày vẫn dẻo, thơm. Vì vậy, nó trở thành đặc sản của vùng đất này đến nay vẫn chưa có giống lúa nếp nào có thể vượt qua.
Tuy nhiên, cũng chính vì gieo cấy theo phương pháp truyền thống, cấy nhiều dảnh, để mạ quá già và tự chọn lọc giống theo trực quan, cảm tính, để từ vụ này qua vụ khác nên giống mới bị thoái hóa, mai một, sâu bệnh rất nhiều, năng suất thấp, vỏ trấu đổi màu. May mắn từ năm 2017, được sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc của ngành chuyên môn, thực hiện đề tài phục tráng và phát triển giống lúa nếp hạt Cau cổ truyền của địa phương, chúng tôi đã có được giống lúa nguyên chủng. Năm nay tôi cấy hơn 1 ha từ nguồn giống đã phục tráng của Sở Nông nghiệp & PTNT, mục đích chỉ để chọn lọc, cung cấp giống tốt cho bà con trong vùng nên không có thóc thương phẩm bán là vì vậy.
Ông Đỗ Văn Luật, Giám đốc HTX Kỳ Phú thông tin: Xã Kỳ Phú có tất cả 13 bản thì chỉ có 5 bản còn cấy lúa là: bản Cả, bản Ao, bản Sau, bản Thường Sung và bản Đồng Chạo. Do giá trị của nếp hạt Cau tương đối cao, 1 tạ lúa nếp bằng 2 tạ lúa tẻ nên hầu hết bà con cấy lúa nếp mà không cấy lúa tẻ, tổng diện tích nếp Cau toàn xã khoảng 200 ha. Những năm gần đây, chúng tôi đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật cấy, chăm sóc lúa nếp hạt Cau đến từng gia đình, cung cấp giống đã được phục tráng cho nông dân, đồng thời chỉ đạo triệt để khâu thời vụ, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt chú trọng đến phòng trừ sâu đục thân. Nhờ đó, giống lúa nếp hạt Cau ở đây đã được khôi phục cả về năng suất và chất lượng.
"Năng suất cao, chi phí giảm, giá lúa cao nên bà con trong xã hào hứng lắm. Sản phẩm có tiếng rồi nên thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy, thậm chí có thời điểm "khan" lúa, bà con bán giá 2 triệu đồng/tạ. Nếp hạt Cau giờ đây vừa là thứ sản vật truyền thống, vừa là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây", ông Luật nói.
Một tin vui đến với bà con Kỳ Phú nói riêng và các tổ chức, HTX, những người trồng nếp hạt Cau Ninh Bình nói chung là: Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Nếp hạt Cau Ninh Bình" cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Bình. Đây là một bước tiến nhằm kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại cho sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, giữ gìn và phát huy giá trị đặc sản nếp hạt Cau của địa phương.
Nguyễn Lựu