Đồng thời đây lại là một xã thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, ngành nghề, dịch vụ chưa phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ những đặc điểm tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc, tuyên truyền, vận động và xây dựng khối đoàn kết toàn dân trong phát triển kinh tế của địa phương.Để khắc phục những khó khăn này, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã và các Ban công tác Mặt trận khu dân cư đã tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền, vận động, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới; cuộc vận động "Ngày vì người nghèo"; cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các phong trào thi đua yêu nước khác do cấp trên và địa phương phát động.
Để thực hiện tốt 5 nội dung của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong giai đoạn mới, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn một xã miền núi còn nhiều khó khăn, MTTQ xã cùng với các tổ chức thành viên đã phân công cán bộ xuống từng địa bàn dân cư cùng với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư rà soát nắm đặc điểm tình hình, những khó khăn, thuận lợi của từng thôn, xóm, từng hộ gia đình trong việc phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa tinh thần.
Đồng thời căn cứ vào Nghị quyết của Đảng ủy và Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã, MTTQ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân địa phương tích cực phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là việc đưa cây ớt cay xuất khẩu vào thay thế cây ngô, cây khoai lang hiệu quả thấp ở thôn Tân Thành, Liên Phương, Thạch La, thôn Ngọc, tăng giá trị thu nhập gấp 3 lần trên một đơn vị diện tích.
Hầu hết các thôn trong xã đều vận động nhân dân mạnh dạn đưa cây lúa lai cao sản và lúa chất lượng cao vào những nơi thuận lợi về tưới tiêu thay thế dần giống lúa thuần năng suất thấp; đưa cây ngô lai, lạc lai vào sản xuất ở vụ đông xuân. Đồng thời chuyển đổi tập quán canh tác cũ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh mới vào các khâu gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh việc chuyển đổi giống cây trồng, MTTQ và các tổ chức thành viên còn động viên nhân dân phát huy thế mạnh của vùng đồi núi đất rộng đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển mạnh nuôi gà vườn, lợn bản địa để cung cấp cho thị trường. Khuyến khích các hộ có điều kiện đầu tư vốn phát triển trang trại kinh doanh tổng hợp, kinh doanh dịch vụ để có thu nhập cao.
Đi đôi với vận động nhân dân phát triển sản xuất, MTTQ xã còn phối hợp với chính quyền triển khai và giám sát việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội, chương trình hỗ trợ giảm nghèo do Nhà nước đầu tư. Cụ thể như năm 2009 được tỉnh cấp tiền hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi trâu, bò và giải quyết sức kéo trong sản xuất, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, giao cho MTTQ chủ trì, lựa chọn 200 hộ nghèo có đủ điều kiện để thực hiện dự án (trong đó có 196 hộ mua trâu bò, 4 hộ mua máy làm đất).
Ban công tác Mặt trận khu dân cư trực tiếp cùng gia đình đi mua trâu bò giống đảm bảo chất lượng, đến nay số trâu, bò giống đó đã sinh sản, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình, nhờ đó đã có trên 80% số hộ được hỗ trợ thoát nghèo bền vững.
Đối với việc triển khai hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, ngay sau khi có kế hoạch hỗ trợ của cấp trên và các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị quân đội, ngoài việc quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, giúp đỡ ngày công thì cán bộ Mặt trận khu dân cư là những người trực tiếp đứng ra ký kết vật liệu với các cửa hàng cung ứng vật liệu xây dựng, giám sát, đôn đốc, động viên gia đình tích cực thực hiện chương trình, do đó kết quả hoàn thành đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Những cách làm cụ thể, thiết thực của MTTQ xã Thạch Bình đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 49%, đến năm 2013 còn 14,53% (giảm 35,47%). Hiện nay trong xã không còn hộ đói; tỷ lệ hộ khá, giàu, ngày càng tăng, hộ có nhà kiên cố, cao tầng trên 40%; không còn hộ gia đình phải ở nhà tạm. Đời sống nhân dân ngày càng ổn định. Do đó các tầng lớp nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền thông qua cầu nối là MTTQ.
Đào Duy