Phóng viên (P/v): Ông có thể cho biết những kết quả của hoạt động giám sát và phản biện xã hội do MTTQ huyện triển khai thời gian qua?
Ông Hoàng Lương Khôi: Thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong thời gian qua Mặt trận Tổ quốc huyện Nho Quan đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát hằng năm, tập trung vào một số nội dung, lĩnh vực cụ thể được nhân dân quan tâm nhiều và phù hợp với khả năng, trình độ của cán bộ Mặt trận. Trên cơ sở đó, thành lập Đoàn giám sát để tổ chức giám sát đối với từng lĩnh vực cụ thể.
Trong 5 năm (từ năm 2014-2018) ủy ban MTTQ huyện đã chủ trì 29 cuộc giám sát tại 29 đơn vị với 7 lĩnh vực, đó là: Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công; thực hiện chế độ chính sách đối với người nghèo; thực hiện Luật tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo; Thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện Luật Bầu cử; thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tiền hỗ trợ miễn thủy lợi phí; thực hiện quy định về quản lý kinh phí hỗ trợ cho cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Nhìn chung quá trình giám sát đảm bảo mục đích, yêu cầu, nội dung, trình tự, không làm ảnh hưởng đến công việc của các đối tượng được giám sát, đảm bảo tính dân chủ, công khai theo quy định, sau giám sát có thông báo kết luận giám sát gửi các đơn vị được giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát về Thường trực Huyện ủy, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh. Qua giám sát thấy rằng cơ bản các đơn vị được giám sát đã tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đã phát hiện một số hạn chế, sai sót trong công tác quản lý như hồ sơ, chứng từ, sổ sách ghi chép của một số đơn vị chưa đầy đủ, có xã bố trí phòng tiếp dân thiếu nội quy, quy chế, chưa có quyết định phân công cán bộ tiếp dân…
Ban Thường trực UBMTTQVN huyện cũng chú trọng hướng dẫn MTTQVN cấp xã tổ chức giám sát. Trong 5 năm ủy ban MTTQVN các xã, thị trấn, các Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức giám sát được 507 cuộc, nội dung tập trung chủ yếu vào việc thu, quản lý, sử dụng tiền đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới; việc quản lý và sử dụng ngân sách xã; thực hiện chế độ, chính sách đối với người nghèo, người có công; quản lý nguồn hỗ trợ miễn thủy lợi phí; quản lý tiền đóng góp của phụ huynh, học sinh tại các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở; quản lý, sử dụng đất đai của UBND xã… Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 320 công trình, dự án trên địa bàn, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn và trường học, trạm y tế.
Đi đôi với việc tổ chức giám sát Ban Thường trực UBMTTQVN huyện tổ chức được 03 hội nghị đối thoại trực tiếp với Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư và thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng với 774 lượt người dự, có 30 ý kiến phát biểu với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; an ninh, quốc phòng; về chế độ, chính sách đối với cán bộ không chuyên trách ở cơ sở; chế độ đối với thành viên Ban Thanh tra nhân dân; về công tác xây dựng nông thôn mới, dồn điền, đổi thửa; tích tụ ruộng đất; tái cơ cấu nông nghiệp...
Đối với công tác phản biện xã hội, trong 5 năm qua MTTQVN cấp huyện, cấp xã đã tham gia góp ý vào các dự thảo Báo cáo của UBND cùng cấp về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội để trình HĐND tại các kỳ họp; đồng thời tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý đối với các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần lần thứ XII của Đảng và văn kiện đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tổng số có 28 hội nghị, với 877 lượt người dự, có 87 ý kiến đóng góp. Tổ chức 121 hội nghị lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Bộ luật Dân sự với 2.038 lượt người dự, có 210 ý kiến tham gia; tổ chức 29 hội nghị lấy ý kiến nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Hình sự với 985 lượt người dự, có 93 ý kiến.
P/v: Giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ khó vì liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm của đời sống, thực tiễn triển khai hoạt động này đã gặp phải những khó khăn gì thưa ông?
Ông Hoàng Lương Khôi: Giám sát dân chủ không phải là việc làm mới, từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999, tại Điều 2 cũng xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước, tuy nhiên, cái khó khăn của chúng ta là thiếu văn bản cụ thể hóa việc giám sát. Bộ Chính trị ban hành Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhưng đến ngày 15/6/2017 (sau 3 năm) mới có Nghị quyết liên tịch 403 của UBTVQH, Chính phủ và ủy ban Trung ương MTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN. Do độ trễ quá dài của văn bản hướng dẫn cũng là khó khăn trong việc triển khai thực hiện việc giám sát, phản biện.
Mặt khác giám sát, phản biện là việc khó, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực nhậy cảm (tài chính, ngân sách; đất đai, tài nguyên, môi trường; chính sách xã hội..) do vậy đối tượng được giám sát thường không nhiệt tình, ít tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể giám sát trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát (nhất là các Ban quản lý dự án, các nhà thầu xây dựng). Phản biện xã hội là phản biện các dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp, đây là vấn đề MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội khó chủ động.
Trong khi đó, nhân lực con người thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc còn hạn chế (nhất là cấp xã), Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng rất ít người được đào tạo về luật và kỹ thuật xây dựng; đa số chưa có kinh nghiệm trong công tác giám sát, phản biện; vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm, sợ mất lòng nhau… Các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động giám sát và phản biện xã hội còn rất thiếu (nhiều xã chưa bố trí kinh phí cho Giám sát và phản biện xã hội của MTTQ, không bố trí kinh phí cho hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã).
P/v: Để khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, thời gian tới MTTQ huyện sẽ tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào thưa ông?
Ông Hoàng Lương Khôi: Trong thời gian tới MTTQVN các cấp huyện Nho Quan sẽ tiếp tục thực hiện những nội dung trọng tâm như: Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu, rộng hơn nữa về mục đích, ý nghĩa, nội dung, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội theo tinh thần Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa XI) đến tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Coi đây là một trong những nhiệm vụ về đổi mới nội dung, phương thực hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiếp tục rà soát lại chương trình, kế hoạch và quy trình giám sát, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo thực hiện có chất lượng cao hơn.
Chú trọng đến việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực, công việc và đối tượng để giám sát, phản biện phải xuất phát từ nhu cầu, lợi ích thiết thực của nhân dân; phải đa dạng hình thức nắm thông tin trước khi giám sát. Đồng thời coi trọng việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát đối với tổ chức, cá nhân được giám sát.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tổ chức đặt hòm thư góp ý tại trụ sở làm việc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã, đồng thời phân công trách nhiệm cho các bộ phụ trách quản lý hòm thư, kiểm tra, xử lý thông tin theo đúng quy định.
Đào Duy