Lúc nào ông cũng trong tư thế bận rộn với rất nhiều công việc vì những gia đình đồng đội bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để xoa dịu nỗi đau da cam, để đồng đội, con cháu của đồng đội ông mau chóng hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Mong muốn thiết tha, tình cảm đầy trách nhiệm ấy đã giúp cho người lính năm xưa luôn hết mình với công việc vì như ông nói "Sống ở trên đời cần có một tấm lòng", đấy là những việc làm để tri ân với đồng đội.
Đã từng là một người lính, ông thấu hiểu hơn ai hết những mất mát đau thương cũng như những di chứng nặng nề mà chiến tranh để lại. Bởi thế, mặc dù không một đồng tiền công tác phí, không có một khoản hỗ trợ nào, ông vẫn ngày ngày làm công việc đầy tâm huyết, trách nhiệm đối với các nạn nhan chất độc da cam.
Ông tâm sự với chúng tôi, trong khói lửa chiến tranh chính những người này đã từng cùng ông vào sinh ra tử nên ông tự cảm thấy đây là việc làm cần thiết để làm vơi bớt những nỗi đau chiến tranh. Ông cho biết quá trình vận động thành lập Hội không phải là dễ dàng. Ông đã phải chạy ngược, chạy xuôi để huy động nhà tài trợ tổ chức Đại hội, duy trì đều đặn công tác chăm sóc nạn nhân.
Hiện nay Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin thành phố có 453 hội viên, sinh hoạt tại 14 chi hội. Các chi hội trên địa bàn thành phố đều duy trì sinh hoạt đều đặn 3 tháng/lần với nội dung phong phú, hướng về các đối tượng nạn nhân. Không trông chờ vào sự viện trợ của Hội cấp trên, ông đã thành lập Ban vận động để tổ chức quyên góp xây dựng Quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam thành phố", huy động sự tham gia của nhiều nhà hảo tâm trong công tác chăm sóc nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Hiện nay Quỹ đã quyên góp được gần 250 triệu đồng, chủ yếu dùng vào việc chăm sóc, thăm hỏi nạn nhân, hỗ trợ vốn cho nạn nhân vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng. Với ông, mỗi hội viên được giúp đỡ là một niềm vui, là động lực giúp ông tiếp tục làm công việc "vác tù và hàng tổng" đầy ý nghĩa này.
Với chiếc xe đã cũ, ông trực tiếp xuống từng phường, xã để điều tra, khảo sát tình hình nạn nhân để có những định hướng kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Quan điểm của ông là, ngoài sự giúp đỡ của Hội và cộng đồng xã hội, các nạn nhân còn khả năng lao động sẽ vươn lên bằng chính sức lực của mình. Chính vì thế, ông đã vận động 12 hội viên đi bán bảo hiểm quân đội để tăng thêm thu nhập.
Đặc biệt, ông đã xây dựng dự án "Trang trại xanh ươm trồng và sản xuất hoa phong lan" với diện tích 3.495 m2 trên địa bàn phường Nam Thành. Dự án đã được phê duyệt và từng bước đưa vào triển khai. Với dự án này, ông sẽ tạo việc làm cho khoảng 30 nạn nhân còn khả năng lao động và tạo nguồn kinh phí cho hoạt động Hội.
Xã hội hóa công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam là mục tiêu ông hướng tới nhằm bù đắp những mất mát mà họ phải gánh chịu. Việc làm ấy đòi hỏi nhiều thời gian công sức, nhưng như ông nói: "Khi nào còn đi được, còn làm được thì tôi vẫn tiếp tục công việc này…"
Bài, ảnh: Trần Huệ