Trong lúc đầu tư nhà nước không nhiều, vốn đầu tư tư nhân nội tỉnh có hạn, tỉnh xác định việc đầu tư bằng vốn nước ngoài có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo sau đầu tư nước ngoài là máy móc, thiết bị và công nghệ mới dựa trên cơ sở khoa học công nghệ cao.
Nhưng, để có thể thu hút được vốn đầu tư nước ngoài là không đơn giản, không chỉ là tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, mà còn phải có phương thức quản lý nhà nước tốt, dựa trên các tiêu chí chuẩn, tạo thế cạnh tranh, tăng nhanh tốc độ đầu tư. Về vấn đề này tỉnh Ninh Bình được đánh giá là đã làm khá tốt. Tuy nhiên vẫn cần tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý đầu tư bằng vốn nước ngoài để tăng chỉ số cạnh tranh, thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư nước ngoài vào địa bàn.
Thống kê tình hình đầu tư nước ngoài tại Ninh Bình cho thấy, trong giai đoạn 1987 - 2005, Ninh Bình mới thu hút được 13 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đạt trên 88,6 triệu USD, có nghĩa là 1 người chưa có 100USD đầu tư.
Giai đoạn 2006-2011 kinh tế Ninh Bình phát triển, GDP bình quân đạt 15,7%. Từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương bắt đầu có nền công nghiệp, du lịch phát triển, có cơ cấu kinh tế hợp lý. Theo lũy kế đến tháng 2 năm 2013 Ninh Bình xếp thứ 28 toàn quốc, với 30 dự án còn hiệu lực với số vốn đăng ký 964 triệu USD và vốn điều lệ 260 triệu USD.
Một số cơ sở sản xuất công nghiệp đã sớm hoàn thành đầu tư đi vào sản xuất, tạo sản phẩm mới, góp phần quan trọng tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Trong đó nổi bật là nhà máy cán thép Tam Điệp; các nhà máy xi măng Tam Điệp, The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà và nhiều doanh nghiệp khác như Nhà máy ô tô Thành Công, Nhà máy sản xuất kính nổi Tràng An, Nhà máy sản xuất giày Adora... đưa giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt gần 13 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 264 triệu USD.
Thống kê sau năm 2007, về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Ninh Bình đã bứt phá vươn lên, đứng vào hạng khá, đến năm 2010, năm khởi sắc nhất đã xếp hạng tốt và đứng thứ 11 trong các tỉnh cả nước. Nhưng, tiếp sau 2 năm 2011 đến 2012, Ninh Bình bị tụt hạng xuống thứ 21 và sau đó thứ 23 với số điểm trên trung bình 58,87 đến 61,12 điểm.
Điều đó phản ánh một thực tế là việc đầu tư vào Ninh Bình cón rất hạn chế, tổng vốn đầu tư tuyệt đối vào Ninh Bình chưa nằm trong tốp các tỉnh trên ngưỡng 1 tỷ USD. Đến những năm 2011-2012, tuy một số mặt mạnh đã được phát huy về chi phí gia nhập thị trường tốt, chi phí thời gian làm thủ tục ngắn, việc tiếp cận đất đai và tính năng động có khá hơn. Nhưng xét cả quá trình 6 năm, về thiết chế pháp lý, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực là những mặt còn yếu. Để Ninh Bình phát triển cần tìm giải pháp để khắc phục các mặt yếu nêu trên.
Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: Đến nay, Luật đầu tư và các nghị định hướng dẫn đã và đang bộc lộ một số nhược điểm cần chỉnh sửa. Ninh Bình cần mạnh dạn đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về đầu tư nước ngoài.
Những vấn đề cần hoàn thiện như về môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút lượng vốn đầu tư lớn hơn về quy mô và về số lượng công trình; cần xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật rõ ràng, cụ thể, minh bạch, không chồng chéo, không tùy tiện thay đổi; cần thiết lập mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, làm tiền đề cho việc thu hút đầu tư.
Ngoài ra, một số vấn đề cần được bổ sung như các về thuế, về quyền sử dụng đất... Mặt khác cần đưa ra các hình thức đầu tư mới, như công ty hợp danh, công ty quản lý vốn; sửa đổi bổ sung Nghị định số 103/199/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 1999 của chính phủ về giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước, theo hướng cho phép nhà đầu tư FDI được mua trên 30% cổ phần doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Xây dựng mô hình kinh tế mở, chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần, niêm yết tại thị trường chứng khoán.
Nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư: Trước hết, cần cải cách triệt để thủ tục hành chính trên cơ sở xây dựng và hình thành hệ thống thủ tục hành chính phù hợp, đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và hạn chế những tiêu cực xảy ra trong đầu tư. Giảm thủ tục, phiền hà, sách nhiễu khi cấp phép đầu tư.
Giảm các cấp quản lý đầu tư tiến tới 1 cửa, một con dấu trong đầu tư, giảm tính phân biệt giữa các thành phần kinh tế. Môi trường đầu tư Ninh Bình cần đảm bảo cho hoạt động kinh doanh sinh lời với những phí tổn phi kinh tế ở mức tối thiểu. Một môi trường như vậy cần phải được hình thành kèm theo các giải pháp chính sách cùng sự nỗ lực liên tục, thể hiện trong đường lối cải cách nhất quán và kiên quyết.
Thực hành cơ chế quản lý và tổ chức quản lý theo hướng một cửa, một đầu mối trung ương và địa phương, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh; duy trì thường xuyên việc tiếp xúc của cơ quan quản lý Nhà nước với các nhà đầu tư FDI.
Cần phải có những biện pháp xúc tiến đầu tư. Đẩy mạnh vận động đầu tư một cách chủ động theo các chương trình, dự án trọng điểm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan xúc tiến thương mại của các nước ở Việt Nam để giới thiệu chính sách, quảng bá các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh.
Quy hoạch rõ ràng, môi trường đầu tư ổn định, minh bạch, không phân biệt đối xử là một trong những yêu cầu hàng đầu của nhà đầu tư. Đặc biệt, quy hoạch của từng địa phương cần được xây dưng trên quy hoạch vùng.
Nhóm giải pháp về xây dựng hạ tầng cơ sở: Chú trọng xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước và các dịch vụ cơ sở hạ tầng đủ tốt để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp.
Hoàn thiện và mở rộng các khu công nghiệp, tạo điều kiện tốt hơn nữa về đất đai, đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho doanh nghiệp. Xây dựng tốt hạ tầng cơ sở ngoài khu công nghiệp.
Học tập tỉnh bạn và hợp tác với tỉnh bạn là yếu tố giúp cho công tác quản lý đầu tư nước ngoài tiến thành thuận lợi và hiệu quả. Các đầu tư không chồng chéo, mà liên kết được với nhau, cùng tạo ra sản phẩm giúp đầu tư nước ngoài phát huy hết tác dụng tăng trưởng nền kinh tế.
Nhóm giải pháp đào tạo đội ngũ cán bộ có năng lực, công nhân kỹ thuật có trình độ cao trong khu vực FDI: Tổ chức bồi dưỡng, năng cao trình độ về luật pháp, chính sách, chuyên môn, ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ làm hợp tác với nước ngoài.
Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp, công chức nhà nước, và công nhân kỹ thuật có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp hoạt động kinh tế đối ngoại, trình độ ngoại ngữ và tay nghề kĩ thuật cao, đủ khả năng để đáp ứng tốt yêu cầu thu hút và quản lý hoạt động của đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Có kế hoạch, quy hoạch đào tạo càn bộ, công nhân kỹ thuật để vừa đáp ứng kịp thời cho nhu cầu trước mắt, vừa chuẩn bị một cách cơ bản và lâu dài cho loại hoạt động này.
Phạm Bằng Giang (Sở KH&ĐT Ninh Bình)