Trong 2 năm làm giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô có điều kiện quan sát từng hành động của trẻ, cô nhận thấy mọi sự vật hiện tượng trong tự nhiên đều rất mới lạ với trẻ. Nhu cầu khám phá những điều kỳ lạ ấy của trẻ là rất cao. Trẻ thường đặt câu hỏi: Tại sao? Thế nào? Từ đâu đến? Ai sinh ra mà có?... Việc tổ chức tốt các hoạt động cho trẻ khám phá khoa học, khám phá xã hội đã phần nào giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu khám phá về thế giới và khả năng nhận thức của trẻ.
Nhưng trong thực tế các hoạt động khám phá khoa học của trẻ mới chỉ được giáo viên tổ chức trên các hoạt động chung, thông qua việc quan sát, đàm thoại, trò chuyện, trò chơi, cao hơn nữa là trình chiếu các hình ảnh mô phỏng kết hợp với lời giới thiệu… Chỉ một số ít các thao tác khám phá khoa học sơ đẳng được đưa vào hoạt động góc: như thực hành các thao tác đo, đong, đếm… Nhờ khoảng thời gian đứng lớp trực tiếp, cô giáo Hà nhận ra rằng khả năng chú ý của trẻ dễ bị nhàm chán, trẻ ghi nhớ không sâu, dễ nhớ nhưng chóng quên.
Cô đã thử một vài lần cho trẻ trực tiếp thao tác với các đồ vật, đối tượng… và trẻ rất thích thú vì được tự mình thao tác, khám phá và rút ra kết luận.
Cách học trắc nghiệm, thực hành trực tiếp này rất thích hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ thích tập làm người lớn, thao tác như người lớn. Đặc biệt trẻ em hiện nay được sống và lớn lên trong một xã hội phát triển với các công nghệ thông tin hiện đại, trẻ rất thông minh và nhanh nhẹn có thể làm tốt các thí nghiệm thực hành, hơn nữa việc làm này rất phù hợp với phương pháp giáo dục hiện nay "lấy trẻ làm trung tâm" - giáo viên chỉ gợi mở, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm với các hoạt động thực tiễn.
Năm học 2009-2010, cô giáo Hà được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Nhất, cô đã bắt tay vào viết đề tài "Tổ chức cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi khám phá khoa học bằng thực nghiệm" và chọn lớp 5A để làm thực nghiệm đề tài này.
Nếu như giải pháp cũ trước kia là lấy giáo viên làm trung tâm, cô giáo chủ động truyền kiến thức, trẻ thụ động lĩnh hội còn có nhiều tồn tại, không làm trẻ phát triển hết được sự sáng tạo của mình. Quan sát thực tiễn sau một năm thực nghiệm tại lớp mẫu giáo 5 tuổi Trường Mầm non Ninh Nhất, nhận thấy khả năng thực hiện của trẻ rất tốt, đem lại kết quả giáo dục cao và phù hợp với phương pháp giáo dục hiện nay, cô giáo Hà đã tổ chức cho trẻ khám phá khoa học bằng các thí nghiệm qua 6 biện pháp cụ thể sau:
Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch dự kiến thực hiện các chủ đề năm học
Đây là cơ sở để giáo viên sưu tầm, lựa chọn thí nghiệm đưa vào kế hoạch giáo dục phù hợp với từng chủ đề theo đúng chương trình giáo dục mầm non hiện nay.
Biện pháp 2: Sưu tầm, lựa chọn các thí nghiệm khám phá khoa học có nội dung phù hợp với chủ đề và khả năng của trẻ
Ví dụ, chủ đề Thực vật cho trẻ thí nghiệm nhận biết sự nảy mầm của cây…
Biện pháp 3: Lập kế hoạch tổ chức các thí nghiệm cho trẻ khám phá khoa học theo chủ đề
Biện pháp 4: Bố trí, sắp xếp môi trường tổ chức các thí nghiệm cho trẻ khám phá khoa học một cách hợp lý
Biện pháp 5: Phối hợp với phụ huynh tổ chức các thí nghiệm cho trẻ khám phá khoa học
Biện pháp 6: Hướng dẫn giáo viên trong việc sử dụng ký hiệu bằng hình ảnh để trẻ ghi chép nhật ký, lưu lại kết quả sau mỗi lần thí nghiệm một cách khoa học
Đây là biện pháp quan trọng, là điểm mới, khó và yêu cầu độ chính xác cao đối với trẻ.
Bằng những thí nghiệm đơn giản, phù hợp lứa tuổi như: Theo dõi thời tiết trong tuần, bé tập pha màu, khám phá vật chìm nổi… tạo ra được môi trường hoạt động tích cực cho trẻ, vừa coi trọng hoạt động vui chơi, hoạt động trải nghiệm trong giáo dục.
Phạm Đào
(Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh)