Một buổi sáng đầu đông, chúng tôi về thăm cô và trò Trường mầm non Sơn Lai (Nho Quan). Giữa bạt ngàn cây rừng, vẳng lên tiếng hát trong veo của trẻ nhỏ. Ngôi trường mầm non dần hiện ra trong sương sớm. Còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về trang thiết bị dạy và học lắm, song có lẽ vậy mà các cô càng thêm thương trò hơn. Ai cũng cố gắng chăm sóc thật tốt, dạy dỗ thật tốt để góp phần tạo ra cho Sơn Lai một thế hệ măng non triển vọng.
7 giờ mới tới giờ đón trẻ, song mới từ 6giờ 30 phút sáng nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đến trường. Dẫn cháu vào lớp, cô giáo Hà Thị Huê dịu dàng nhắc bé ngồi chơi ngoan để cô dọn dẹp phòng học cho sạch sẽ để chuẩn bị đón các bạn tới lớp. Vừa nhanh tay dọn dẹp, cô giáo Huê vừa nói: Các cô giáo mầm non đều bắt đầu một ngày làm việc sớm hơn những nghề khác, thậm chí là giáo viên các bậc học khác. Chúng tôi nhiều người còn con nhỏ, nên cũng phải thức khuya, dậy sớm hơn để lo toan, chuẩn bị mọi thứ cho gia đình, con cái để kịp đến trường bắt đầu ngày làm việc mới. Nào là cho trẻ ăn sáng, cho tham gia hoạt động buổi sáng rồi chuẩn bị cho bữa cơm trưa, lo cho các cháu giấc ngủ, bữa ăn nhẹ, các trò chơi hoạt động buổi chiều và bắt đầu trả trẻ từ 4giờ30 cho đến khi hết trẻ. Trong thời gian trẻ ngủ, các cô lại tranh thủ ăn trưa, dọn dẹp vệ sinh, làm một số đồ chơi để phục vụ cho giờ dạy… ngày nào cũng cứ một vòng tuần hoàn như thế trước khi các cô giáo trở về nhà.
Cô giáo Mai Thị Xuân Nga, hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Lai chia sẻ: Một thiệt thòi của trẻ học ở trường này đó chính là vì lớp học không có tường bao, cổng kiên cố, nên nhà trường cũng không dám mua sắm đồ dùng học tập, vui chơi cho các cháu. Thương trò, các cô lại tỉ mẩn làm ra những đồ chơi cho trẻ từ những nguyên liệu bị bỏ đi, thậm chí các cô còn bỏ tiền túi ra để sắm thêm đồ chơi cho các cháu. Ngày cuối tuần, những tưởng được nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình thì các cô lại tranh thủ họp chuyên môn, soạn giáo án… Nhiều công việc với trách nhiệm nặng nề, song bằng tình yêu nghề, mến trẻ nhiều năm qua, các cô giáo Trường Mầm non Sơn Lai luôn nhận được sự tin yêu của phụ huynh và học sinh.
Tạm biệt cô và trò Trường Mầm non Sơn Lai, chúng tôi trở lại thăm Trường Mầm non Gia Tiến (huyện Gia Viễn). Lần trở lại này, dù đã được đầu tư cải tạo một số phòng học song tựu chung thì Gia Tiến vẫn là trường còn nhiều khó khăn nhất của huyện Gia Viễn. Vậy nhưng, điều chúng tôi cảm nhận được đầu tiên khi tiếp xúc với cô và trò nhà trường đó là tinh thần lạc quan, say sưa với nghề.
Cô giáo Đinh Thi Hiệp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài điểm trường chính ở thôn Hán Bắc thì nhà trường còn có hai điểm trường lẻ nữa đặt ở khu Hán Nam và Xuân Lai. Cũng tương tự như điểm trường chính,các điểm lẻ này cũng còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất. Trước mắt, để khắc phục phần nào khó khăn ấy, nhà trường động viên tập thể giáo viên tích cực tự làm đồ chơi, đồ dùng học tập để phục vụ tốt nhất việc học cho trẻ. Cùng với đó, nhà trường cũng tạo điều kiện để các giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, trong tổng số 21 cán bộ, giáo viên, CNV thì có 20 người có trình độ đại học.
Dẫn chúng tôi đi tham quan các lớp học, chúng tôi đều cảm nhận được sự quy củ, trật tự của mỗi con trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Hiên hiện phụ trách lớp 4 tuổi. Cô Hiên đã gắn bó với trường mầm non Gia Tiến từ năm 1985. Cô Hiên nói, một mẹ chăm 2 đứa con đã mệt, trong khi mỗi cô giáo mầm non nuôi dạy hàng chục cháu thì nỗi vất vả tăng lên bội phần. Để quản lý được vài chục học trò với các tính cách, thể trạng khác nhau đòi hỏi người giáo viên phải thiết lập được trật tự, nền nếp của lớp học. Muốn vậy, việc hình thành nên thói quen cho trẻ là cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những trẻ mới đến lớp. Chúng tôi phải vừa là mẹ, vừa là bạn, là ca sỹ, họa sỹ, nhà tâm lý học, y tá của trẻ… để gần gũi, sát sao trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ. Các tình huống trong lớp học thì đa dạng lắm. Bất kể trong hoạt động gì, các cô đều phải đảo mắt nhanh nhẹn, phản xạ nhanh với các tình huống. Hầu hết thời gian làm việc của các cô giáo mầm non đều kéo dài đến 9-10 giờ mỗi ngày. "Vất vả thì chúng tôi không sợ. Nếu sợ khó, sợ khổ thì không ai chọn và bám trụ được với nghề cả. Địa phương càng khó khăn thì mỗi cô giáo lại càng nỗ lực để bù đắp sự thiếu thốn về cơ sở vật chất cho trẻ. Song điều lo lắng là sợ các cháu té ngã hoặc xảy ra sự cố gì ngoài ý muốn. Bởi lẽ, không phải phụ huynh nào cũng sẵn sàng chia sẻ, cảm thông với giáo viên"- lời cô giáo Nguyễn Thị Hiên sẻ chia với chúng tôi.
Chia sẻ câu chuyện về công việc với chúng tôi xong, cô giáo Nguyễn Thị Hiên vội vã trở lại với lớp học. Đến giờ kể chuyện, giọng cô cất lên trầm ấm với câu chuyện "Thỏ trắng biết lỗi". Lặng nhìn cô giáo say sưa, dịu dàng trong câu chuyện, bọn trẻ nhỏ thì háo hức cặp mắt to tròn, trong veo như muốn "nuốt" từng lời của cô. Hình ảnh quá đỗi xúc động ấy theo suốt chúng tôi trên chặng đường về. "… Ngày đầu như thế đó, cô giáo như mẹ hiền. Em bây giờ cứ ngỡ, cô giáo là cô tiên…"- lời bài hát Ngày đầu tiên đi học chợt vang lên trong tiềm thức. 10, 15 hay 20 năm nữa hẳn là các em học trò mầm non hôm nay sẽ như chúng tôi, thấm thía từng lời bài hát bằng sự rung động và biết ơn sâu sắc.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng