Điều đặc biệt ở gia đình ông Bùi Trọng Nguyên là có đến 9 người là đảng viên, trong đó 8 người con đẻ và dâu, rể đều là đảng viên. 4 người con đẻ của ông Nguyên có trình độ đại học và cao đẳng, hiện là các cán bộ, công chức công tác trong các cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang và giáo viên.
Trong ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố, ông Bùi Trọng Nguyên chia sẻ về kinh nghiệm giữ lửa hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái thành đạt. Ông Nguyên cho biết, đó là do được dạy dỗ, giáo dục từ người bố, với việc trọng nền nếp, gìn giữ gia phong và các nét đẹp văn hóa dân tộc của đồng bào mình. Khi lớn lên, xây dựng gia đình, ông Nguyên luôn duy trì nền nếp truyền thống.
Các thành viên trong gia đình ứng xử có trên có dưới, theo tôn ti trật tự; trong nuôi dạy, giáo dục con cái, lấy việc học, tiếp thu kiến thức làm mục tiêu phấn đấu xây dựng cuộc sống sau này. Từ đó, mỗi người tự xác định được nhiệm vụ và trách nhiệm của bản thân với gia đình, với chính mình, có động lực phấn đấu trưởng thành.
Trong cuộc sống hằng ngày, các thành viên trong gia đình luôn sống hòa thuận, chia sẻ tình cảm, trách nhiệm với nhau. Cùng với đó, chung sức xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; tham gia phòng, chống các loại tội phạm, bài trừ các tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu; giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, là người dân tộc Mường, ông Nguyên luôn giáo dục con, cháu gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc mình, để bản sắc người Mường được lưu giữ cho các thế hệ mai sau.
Không chỉ gương mẫu trong xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc, ông Bùi Trọng Nguyên còn là tấm gương đi đầu trong bản, trong xã về phát triển kinh tế gia đình, nêu cao trách nhiệm bảo vệ rừng phòng hộ.
Từ những năm 1996, ông Bùi Trọng Nguyên là một trong những hộ tiên phong nhận khoán đất rừng phòng hộ, được Lâm trường Quốc doanh Ninh Bình giao đất với diện tích 70ha rừng trông coi, bảo vệ, khoanh nuôi, đảm bảo an toàn rừng phòng hộ. Đến năm 2016, theo Luật Lâm nghiệp mới, ông nhận khoán trông coi, bảo vệ 30ha rừng, trong đó được giao 10ha rừng trồng.
Với diện tích được giao trồng rừng, gia đình ông Bùi Trọng Nguyên đã trồng các loại cây vừa bảo vệ rừng, vừa có giá trị kinh tế, như trồng cây gỗ keo, xoan, trồng xen cây ngắn ngày như mía, sắn...
Từ năm 2000 đến nay, rừng trồng của gia đình ông Nguyên cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động thời vụ có thu nhập và truyền kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình, giúp nhiều người thoát nghèo.
Cùng với trồng rừng, từ năm 2004 đến nay, gia đình ông Nguyên còn đầu tư nuôi lợn nái rừng. Lợn rừng được chăn nuôi theo hướng sạch, cho ăn cám ngô, cám gạo, rau xanh và duy trì thường xuyên từ 20 con trở lên, mỗi năm bình quân cho thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi lợn. Với nhiều nguồn thu, kinh tế gia đình ông Bùi Trọng Nguyên luôn ổn định, tạo điều kiện để ông trang trải cuộc sống ở mức tốt.
Từng là Phó Chủ tịch UBND xã nghỉ hưu năm 2015, được biết đến là người tiên phong, năng nổ trong phát triển kinh tế hộ gia đình, lại thành công trong xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái trưởng thành, ông Bùi Trọng Nguyên trở thành tấm gương của người Mường xã Kỳ Phú, được nhiều người tin tưởng, nể trọng.
Là người đảng viên, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu, ông Nguyên cũng tích cực đóng góp kinh nghiệm cho Chi bộ bản Ao Lươn trong phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Hiện nay, trong bản có tới 95% số cháu học hết THPT, một số cháu đi học nghề, có thu nhập khá. Bà con trong bản luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa xã Kỳ Phú về đích nông thôn mới trong năm 2021.
Với những thành tích trong xây dựng gia đình chuẩn mực, hạnh phúc, phát triển kinh tế, gia đình ông Bùi Trọng Nguyên nhiều năm liền được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng: Năm 2018, được công nhận là gia đình tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2020, được UBND huyện Nho Quan tặng Giấy khen gia đình văn hóa cấp huyện 3 năm liên tục và nhiều danh hiệu thi đua khác.
Bài, ảnh: Hồng Vân