Phóng viên (PV): Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 có ý nghĩa thiêng liêng với nhiều người làm báo, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong đời làm báo của mình? Nhà báo Hoàng Chương: Bản thân tôi từ khi tốt nghiệp khóa I lớp Báo chí Trường Tuyên huấn Trung Ương (năm 1961) về công tác tại Ninh Bình cho tới khi nghỉ hưu (năm 2000) chỉ làm một nghề: nghề báo. Đầu tiên tôi về làm tại tờ Tin Ninh Bình (tiền thân của Báo Ninh Bình ngày nay), lúc ấy trực thuộc Phòng Thông tin, ủy ban hành chính tỉnh. Sau đó tôi chuyển sang Đài Truyền thanh tỉnh Ninh Bình (thuộc Ty Văn hóa), rồi Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Từ lúc là một phóng viên mới vào nghề cho đến khi nghỉ hưu, tôi đã may mắn được làm đủ cả ba loại hình báo (báo viết, báo nói, báo hình), dù ở loại hình nào thì niềm đam mê chính của tôi là đi và viết. Được đi cơ sở rồi về hoàn thiện tác phẩm của mình là một niềm hạnh phúc. Kỷ niệm những ngày tháng gắn bó với nghiệp phóng viên thì rất nhiều. Tôi nhớ thời còn làm phóng viên ở tờ Tin Ninh Bình, cơ quan chỉ có khoảng 7-8 người, nhưng anh em vẫn phân công nhau đi khắp các địa bàn trong tỉnh.
Hồi ấy, những năm 60, lớp nhà báo chúng tôi đi cơ sở toàn... cuốc bộ. Để về được Nho Quan, Kim Sơn nếu may mắn còn mua được vé hai chuyến ca nô, giá vé mỗi người là hơn 1 hào. Đi cơ sở xa như vậy nên có khi cứ đi từ sáng thứ 2 thì ngày thứ 3 mới về cơ quan. Mỗi phóng viên đi cơ sở viết tin bài ngoài giấy bút còn mang theo cả một chiếc... màn một và bọc quần áo. Đến cơ sở rồi thì việc quan trọng là đi liên hệ nơi ăn, nghỉ. Thông thường thì các phóng viên tìm đến các Hợp tác xã gặp đồng chí chủ nhiệm để xin...ghi tên, đóng tiền (hoặc tem phiếu) cho bếp ăn tập thể. Chỗ ngủ thì mượn phòng của hợp tác xã hoặc bất quá ngủ nhờ nhà dân, nhà các cán bộ xã. Khi đã lo xong khoản chỗ ăn, ngủ rồi thì sẽ lân la khắp các cơ sở thu thập thông tin, viết bài. Trong vô số những lần đi cơ sở, kỷ niệm mà tôi nhớ nhất (và cả... hãi nhất) là khi xuống những xã như xã Gia Thủy (trước kia thuộc huyện Gia Viễn, nay thuộc Nho Quan). Ngày ấy đường sá không phải dễ đi như bây giờ, chủ yếu toàn đường đất, đất đồi bám dính, ngày thường đi đã khó, những ngày mưa việc đi bộ thật là cơ cực với cánh phóng viên. Còn những chuyến đi lấy tin ở Khánh Công, Khánh Thành (Yên Khánh)... thì khỏi phải nói, mùa mưa đường đất thịt trơn như mỡ gà. Chúng tôi phải nách ôm bọc quần áo, tay cầm dép, cứ thế bấm chân vào bùn đất mà đi. Những cán bộ tỉnh thường hay đi cơ sở như chúng tôi hồi ấy "thấm" nỗi vất vả của đường sá đã truyền nhau những câu thơ kiểu như: "Ai đi sứ sự mười Đông/ Không bằng công tác Khánh Công, Khánh Thành"...
Những chuyến đi cơ sở gian nan là vậy nhưng tôi và các đồng nghiệp với lòng yêu nghề vẫn cứ lăn xả vào công việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà chẳng từ nan. Và hơn thế chúng tôi vẫn làm với niềm say mê, trăn trở, trách nhiệm của những người làm nghề báo chân chính.
PV: Báo chí mỗi thời có sự phát triển khác nhau, song những đòi hỏi về đạo đức nghề nghiệp đặt ra thời nào cũng hết sức khắt khe. Là một nhà báo lão thành, ông suy nghĩ về vấn đề này như thế nào?
Nhà báo Hoàng Chương: Đúng là với mỗi nhà báo thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu. Dù là thời nào thì uy tín nghề nghiệp, danh dự với nghề của mỗi nhà báo cũng không thể xem nhẹ. Tất nhiên ở mỗi thời điểm, tùy vào bối cảnh thực tế, tùy vào nhận thức của xã hội, vấn đề đạo đức nghề báo sẽ có một cách quan niệm khác nhau. Nhưng có một vấn đề chắc chắn không thay đổi đó là đã là nhà báo thì phải có đạo đức nghề nghiệp. Nghề báo là nghề mà xã hội kỳ vọng và nhà báo có một quyền năng rất lớn, tuy nhiên đi kèm với nó chính là "trách nhiệm xã hội và và nghĩa vụ công dân của người làm báo". Đạo đức nghề báo đòi hỏi người làm báo phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao nhận thức chính trị để luôn giữ cho mình: "mắt sáng, bút sắc, lòng trong", luôn tôn trọng sự thật, hướng ngòi bút của mình vào việc phụng sự sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân. Vấn đề đạo đức nghề báo cần phải đặt ra cho tất cả mọi nhà báo, từ người mới chập chững vào nghề đến những người đã là những nhà báo kỳ cựu. Đặc biệt đối với những người làm quản lý trong các cơ quan báo chí thì việc phải thường xuyên nhắc nhở, giáo dục, "hâm nóng" vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong mỗi nhà báo thuộc quyền quản lý của mình là cực kỳ quan trọng.
Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển, điều kiện làm việc của nhà báo cũng thuận lợi hơn, tuy nhiên cơ chế thị trường cũng khiến những người làm báo phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ. Chính điều đó đặt ra những thử thách không nhỏ đối với đạo đức nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ. ở điểm này, theo tôi bản lĩnh cá nhân, ý thức chính trị và nền tảng giáo giục truyền thống của gia đình, xã hội là những chất "miễn dịch" quan trọng nhất.
PV: Với kinh nghiệm của một nhà báo lão thành, cả đời gắn bó với nghề báo, ông có nhắn nhủ gì với các nhà báo trẻ của Ninh Bình hôm nay?
Nhà báo Hoàng Chương: Bạn trẻ nào khi theo đuổi nghề báo cũng có ước mơ trở thành một nhà báo giỏi, tuy nhiên cũng có nhiều người đã không thể đi đến cùng mơ ước của mình bởi một lý do thực tế nghề báo rất khắc nghiệt. Sự nghiệt ngã ấy đôi khi làm những người không đủ quyết tâm, thiếu bản lĩnh và cả một chút ảo tưởng bị vỡ mộng. Thực tiễn báo chí khác rất nhiều so với những gì mà các bạn tưởng tượng khi theo đuổi nghề này. Khi chấp nhận làm nghề báo đồng nghĩa với việc chấp nhận một sự dấn thân thực sự. Các bạn trẻ phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho một thực tế đây là một nghề có sự sàng lọc tự nhiên khắc nghiệt. Bởi vậy, yếu tố tiên quyết là các bạn trẻ phải thực sự yêu nghề, kế đến là phải thực sự cầu thị, học hỏi để hoàn thiện các kỹ năng nghề cũng như nâng tầm nhận thức chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp. Nếu bạn không dám mơ ước, sẽ không bao giờ đến được với nghề báo, nhưng để trở thành một nhà báo giỏi, bạn phải lao động thực sự. Yếu tố quan trọng của nhà báo là việc đi thực tế cơ sở, đi nhiều để tích lũy vốn sống, đi để phát hiện vấn đề, tìm hiểu bản chất thật sự của vụ việc, sự kiện. Không đi thực tế thì tác phẩm sáng tạo ra chỉ là lý thuyết suông, thiếu hơi thở cuộc sống, mang lại hiệu ứng xã hội thấp.
Thệ hệ chúng tôi đã đến với nghề với một suy nghĩ như vậy, còn thế hệ phóng viên trẻ ngày nay, tôi nghĩ cũng không có con đường nào khác ngoài sự lao động nghề nghiệp một cách nghiêm túc.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Mai Phương (thực hiện)