Liên quan đến việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu hằng tháng, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về vấn đề này vẫn có hai phương án. Phương án 1: Điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%. Phương án 2: Tán thành với ý kiến của Chính phủ, theo đó, số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm; năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Liên quan tới nội dung này, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, quy định như dự luật sẽ gây bất lợi cho lao động nữ: "Giả sử tôi tham gia 25 năm BHXH, nếu năm 2017 tôi nghỉ hưu thì tôi được hưởng 75% lương, còn nếu 2018 tôi nghỉ thì chỉ còn được 65%. Như vậy, trước sau có một tháng mà làm sao lại cắt đột ngột mất 10%, người lao động có chấp nhận được không?".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án 1. Đồng thời cho rằng, trong điều kiện tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động thì cần giảm tối đa tác động bất lợi đối với người lao động nghỉ hưu, đặc biệt là lao động nữ. Việc thực hiện quy định này phải đồng bộ với lộ trình thu BHXH (theo Điều 90 Bộ luật Lao động) để đảm bảo tiền lương hưu người lao động thực nhận không bị sụt giảm nhiều so với trước đó. Bên cạnh đó, do tuổi nghỉ hưu của nam, nữ chênh lệch 5 năm nên cần phải bảo đảm bình đẳng giới khi điều chỉnh chính sách này. Đồng thời, cần có lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Việc thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng -hưởng đảm bảo mục tiêu xây dựng luật.
Một trong những điểm mới của dự luật là quy định mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH). Theo đó, dự luật quy định đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Dự luật đồng thời bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH. Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thì cho rằng, nếu không đưa người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng vào diện tham gia BHXH bắt buộc sẽ thiệt thòi cho những đối tượng này. Tuy nhiên, theo đại biểu, để tăng tính hiệu quả thì nên quy định đối tượng này có thời gian thử việc ít nhất là 1 đến 3 tháng trước khi tham gia BHXH bắt buộc.
Góp ý về việc có nên giao thẩm quyền thanh tra cho BHXH hay không, ý kiến của nhiều đại biểu tại hội nghị đều thống nhất rằng BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước, chịu trách nhiệm quản lý quỹ tài chính liên quan đến an sinh xã hội của hàng chục triệu người lao động, không phải là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuần túy mà là một tổ chức tài chính, được Nhà nước giao chức năng quản lý, sử dụng và đầu tư sinh lời đối với quỹ BHXH, thực hiện cung cấp dịch vụ công. Vì vậy, nếu bổ sung chức năng thanh tra đối với việc đóng BHXH sẽ tạo điều kiện để khắc phục mạnh mẽ hơn những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật BHXH.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau 3 ngày làm việc, hội nghị đã cho ý kiến về 6 dự án luật. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ, hoàn thiện các Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới.
Theo QĐND