Những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên địa bàn đã và đang phát triển mạnh theo hướng tập trung với hình thức gia trại, trang trại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hình thức nuôi nhỏ lẻ, nông hộ vẫn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nên người nuôi chưa chú trọng đầu tư cho công tác phòng bệnh và xử lý chất thải chăn nuôi. Thậm chí, một số hộ chăn nuôi còn xả trực tiếp nước thải chăn nuôi ra ao, hồ, kênh mương, hệ thống nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường và làm lây lan dịch bệnh. Các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng, lợn tai xanh, dịch tả, cúm gia cầm... luôn rình rập. Mặc dù chính quyền địa phương và người dân đã có nhiều biện pháp phòng, chống nhằm ngăn chặn, hạn chế tác hại nhưng tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, được sự đồng ý của Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai đề tài: "áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và xây dựng mô hình xã an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm tại xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh". Trong 2 năm (2016-2017), Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành điều tra, khảo sát về tình hình chăn nuôi chung tại xã; tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nhân dân về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, Luật Thú y… Đồng thời, cho các hộ chăn nuôi đi thăm quan học tập kinh nghiệm; ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn dịch bệnh, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi; hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tổ chức tiêm phòng …
Theo kết quả báo cáo của đề tài, trong thời gian từ năm 2016-2017, các cán bộ thú y đã tiến hành lấy mẫu khảo sát, đánh giá về sự lưu hành của vi rút gây bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn, dịch tả vịt gửi các cơ quan chuyên môn chẩn đoán, xét nghiệm và kết quả là không phát hiện vi rút gây bệnh. Tiến hành lấy mẫu kiểm tra, đánh giá hiệu giá kháng thể, sau tiêm phòng vắc xin thì 100% các mẫu đều đạt hiệu giá kháng thể, điều này cho thấy công tác tiêm phòng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, kiểm tra tại các đại lý thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y nằm trên địa bàn xã cho thấy các loại thức ăn, thuốc thú y đều đảm bảo chất lượng, đặc biệt không phát hiện các loại chất cấm như chất tạo nạc, vàng ô.
Tính đến nay, đề tài cũng đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã xây dựng được 50 mô hình nuôi lợn (có quy mô nuôi từ 30 con trở lên), 60 hộ nuôi gà, vịt (có quy môi nuôi từ 50 con trở lên) áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Trong đó có 2 hộ chăn nuôi lợn đạt 6 tiêu chí, 9 hộ đạt 5 tiêu chí, 39 hộ đạt 4 tiêu chí; 2 hộ chăn nuôi gà, vịt đạt 5 tiêu chí, 58 hộ đạt 4 tiêu chí. Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và thú y đã chính thức trao Giấy chứng nhận xã an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm với các bệnh: Lở mồm long móng, dịch tả lợn; bệnh cúm gia cầm ở gà,vịt; dịch tả vịt; bệnh rối loại hô hấp sinh sản (PRRS) thẻ độc lực cao cho xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh.
Bắt đầu nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Lý (xóm 18, xã Khánh Thành) nhiều lần kinh qua các trận dịch bệnh trên đàn lợn với thiệt hại không nhỏ. Ông Lý hiện có trại lợn nuôi theo hình thức bán công nghiệp với 30 con lợn nái và trên 100 con lợn thịt. Năm 2016, ông Lý được Chi cục Chăn nuôi và thú y hướng dẫn xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Ban đầu ông cũng phân vân, sau khi được thuyết phục ông Lý quyết định tham gia. Ông Lý cho biết, qua chương trình, ông được hướng dẫn cách bổ sung dinh dưỡng cân đối cho đàn lợn; cách tiêm phòng, thời điểm cũng như các loại vắc xin phải tiêm. Ông cũng học được "bí quyết" tiêm phòng cho lợn nái mang thai giai đoạn 3 - 4 tuần trước khi sinh để tạo miễn dịch cao cho lợn con khi bú những lượt sữa đầu… Kết quả là trại lợn của gia đình ông không có dịch bệnh, năng suất chăn nuôi tăng lên.
Ông Phạm Văn Viên, xóm 11, xã Khánh Thành cũng là một trong những hộ chăn nuôi được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Hiện trại vịt của gia đình với hơn 1.000 con vịt đẻ đã đạt được 5/6 tiêu chí về chăn nuôi an toàn sinh học. Ông Viên cho rằng: Nếu các hộ chăn nuôi trong xã đều thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học như tiêu độc khử trùng, cách ly đàn mới, tiêm phòng… thì nguồn bệnh trong môi trường sẽ được giảm thiểu, người dân không phải lo lắng nhiều về dịch bệnh như trước nữa.
Chủ tịch UBND xã Khánh Thành Phạm Văn Bách cho biết, là địa phương tiếp giáp với Nam Định lại nằm ven sông Đáy lên công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Được Chi cục Chăn nuôi thú y chọn xây dựng mô hình xã an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chúng tôi hết sức phấn khởi. Cùng với các ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã Khánh Thành cũng vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động nhân dân khai báo nghiêm việc mua bán gia súc; không mua bán sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc nhằm tránh lây nhiễm dịch bệnh; thực hiện nghiêm túc các đợt tiêm phòng; phun khử trùng tiêu độc chuồng trại định kỳ cho các hộ chăn nuôi... Điều đáng mừng là nhân dân trong xã đã có sự thay đổi đáng kể trong nhận thức, bà con hiểu và quan tâm hơn đến công tác tiêm phòng; khâu lựa chọn con giống được chú trọng; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi được thực hiện tốt hơn, vệ sinh giết mổ được đảm bảo… Vì vậy, trong 2 năm qua trên địa bàn xã đàn gia súc, gia cầm không xảy ra dịch bệnh.
Ông Phạm Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi sạch là xu hướng mà cả thế giới đang thực hiện. Do vậy Sở Khoa học và Công nghệ đã sớm phê duyệt để Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai đề tài này. Có thể nói, việc xây dựng thành công mô hình an toàn dịch bệnh tại xã Khánh Thành sẽ là cơ sở để Ninh Bình nhân rộng ra nhiều địa phương khác, giúp cho việc quản lý, khống chế, ngăn chặn dịch bệnh được hiệu quả hơn. Đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hà Phương