Từ năm 2015, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch trên thị trường tăng cao bởi nguồn thực phẩm hàng ngày không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khiến người tiêu dùng lo ngại, chi hội phụ nữ xóm 10 đã bàn nhau thành lập nhóm trồng rau an toàn sinh học để cung ứng cho thị trường. ý tưởng là như vậy, nhưng để triển khai thực hiện không đơn giản bởi để đạt tiêu chuẩn rau an toàn phải đạt các chỉ tiêu an toàn cơ bản về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn về vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh cho người. Những kiến thức này, hầu như hội viên nào cũng được biết, được nghe qua nhưng chưa bao giờ triển khai trong canh tác. Khi đó, 37 hội viên chi hội phụ nữ xóm 10 được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ đã tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn sinh học do Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh tổ chức để nắm bắt kiến thức, kinh nghiệm.
Hội Phụ nữ tỉnh đã ủng hộ ý tưởng của nhóm trồng rau bằng việc hỗ trợ các vật tư thiết yếu như: vật liệu xây dựng kênh tưới, bể chứa nước, máy bơm xăng, phân bón NPK…
Sau khi thống nhất phương thức, cách làm, 37 hộ hội viên đã triển khai trồng rau trên diện tích 1,5ha với phương châm "mùa nào thức nấy".
Diện tích trồng rau an toàn sinh học khác hoàn toàn với cách canh tác truyền thống đó là: không trồng rau trên vùng đất ô nhiễm, không tưới nướ bẩn, phân tươi cho rau, không bón phân đạm trong vòng 10-15 ngày trước khi thu hoạch…
Do đó, ngay từ vụ canh tác đầu tiên, dưới sự hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cả nhóm phải quan tâm thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định để đảm bảo rau giống được gieo trồng cùng thời điểm, cùng giống cây, cùng kỹ thuật, cùng sử dụng các chế phẩm men vi sinh…
Hàng tháng và theo từng mùa vụ, nhóm trồng rau tổ chức sinh hoạt định kỳ để cùng trao đổi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cách chăm sóc diện tích rau đảm bảo đạt năng suất, chất lượng, ít sâu bệnh.
Từ đó đến nay, theo từng mùa vụ, các thành viên trong nhóm tiến hành trồng rau hữu cơ đạt hiệu quả cao, luôn duy trì được rau cung ứng cho thị trường theo mùa.
Theo chị Vũ Thị Bích Hòa, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ xóm 10, tổ trưởng tổ sản xuất rau an toàn sinh học xã Khánh Hồng: Trồng rau an toàn sinh học đem lại nhiều lợi ích thiết thực vì việc không sử dụng thuốc trừ sâu trong quá trình sản xuất rau cũng giúp bảo vệ sức khỏe của người trồng rau và không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. So với trồng lúa và trồng rau trước kia, mô hình rau an toàn đạt hiệu quả cao hơn.
Như gia đình chị Hòa, từ ít diện tích thử nghiệm, đến nay chị đã mở rộng diện tích trồng rau an toàn lên 450m2. Mỗi vụ sản xuất trừ đi các chi phí, cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/sào…
Hiện nay ở Khánh Hồng, diện tích rau an toàn không chỉ dừng lại ở mô hình của chi hội phụ nữ xóm 10. Trước hiệu quả mà rau an toàn mang lại, nhiều gia đình trong xã đã áp dụng mô hình tại diện tích canh tác của gia đình, góp phần đem lại nguồn thu khá cho gia đình.
Mô hình rau an toàn sinh học của nhóm hội viên chi hội phụ nữ xóm 10 là mô hình rất đáng được quan tâm nhân rộng ra các vùng trồng rau khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, để hình thành các vùng sản xuất rau an toàn, điều tiên quyết phải nâng cao nhận thức của người sản xuất về tầm quan trọng của thực phẩm sạch đối với sức khỏe con người để mỗi người sản xuất tự ý thức thay đổi tập quán, thói quen canh tác.
Bên cạnh đó, để người sản xuất rau an toàn yên tâm duy trì và mở rộng vùng sản xuất rau, yếu tố đầu ra cho sản phẩm cũng phải được các ban, ngành chức năng quan tâm giải quyết. Bởi hiện nay, rau an toàn vẫn được tiêu thụ một cách "tự phát", do mối quan hệ của các hộ trồng rau với người tiêu dùng…
Về lâu dài, khi diện tích trồng rau mở rộng, số hộ trồng tăng lên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và địa phương để "biến" các mô hình điểm trở thành các diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu rau sạch của người tiêu dùng.
Lý Nhân