Cũng như nhiều hộ nông dân trên địa bàn, anh Trần Văn Chính ở xóm 7, xã Như Hòa (Kim Sơn) đã và đang tập trung đầu tư chăn nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Điểm khác biệt là ngay từ khi bắt tay vào triển khai mô hình này, anh Chính đã chú trọng đến việc đảm bảo vệ sinh an toàn trong chăn nuôi, đưa ra thị trường những sản phẩm "sạch" với việc xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại và thuê các kỹ sư chăn nuôi làm việc thường xuyên...
Cách đây 6 năm, với những ấp ủ về việc phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Chính đã mạnh dạn từ bỏ một công việc với mức lương ổn định trong doanh nghiệp để trở về quê hương. Khởi đầu cho việc hiện thực hóa ước mơ của mình, anh Chính bắt tay vào cải tạo đồng đất, đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với số vốn đầu tư chủ yếu là từ vay mượn, trong đó có nguồn từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh. Hiện trang trại của gia đình anh đã mở rộng từ 70 m2 với 50-70 con lợn nái lên hơn 1,3 ha bao gồm hệ thống chuồng trại nuôi hàng nghìn con lợn/năm (bao gồm lợn thịt, lợn giống) và hệ thống ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn quả, rau màu… Anh Chính cho biết: 6 năm theo nghề này với không ít thăng trầm có thời điểm tưởng như mất trắng vì giá lợn xuống quá thấp nhưng đến nay gia đình tôi không chỉ duy trì mà còn mở rộng được quy mô chuồng trại, một phần lớn là nhờ phương châm "chăn nuôi sạch". Nhờ chất lượng được đảm bảo mà ngay trong những lúc thị trường gặp khó khăn, sản phẩm từ trang trại của anh vẫn được tiêu thụ ổn định.
Tìm hiểu phương châm "chăn nuôi sạch" của anh Chính, được biết, ngay từ khâu đầu tiên là xây dựng chuồng trại người chủ trang trại đã phải bố trí một cách khoa học, sạch sẽ; đến khâu chọn giống phải lựa được những con thực sự khỏe mạnh; trong quá trình nuôi, chăm sóc chỉ được dùng thức ăn từ những nhà sản xuất có uy tín, không sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường; không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi… Những kiến thức này được anh tích lũy từ thực tiễn và từ quá trình học hỏi trên sách báo. Tuy nhiên, anh Chính xác định, để phát triển nghề này một cách lâu dài, bền vững với quy mô lớn thì dựa vào kinh nghiệm thôi là chưa đủ mà cần có những kiến thức bài bản và liên tục cập nhật được những tiến bộ kỹ thuật mới. Với suy nghĩ đó, anh đã mạnh dạn thuê 2 kỹ sư nông nghiệp với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng về làm việc tại trang trại, đồng thời thuê 5 lao động phổ thông để đảm nhận các khâu trong chăn nuôi theo đúng kỹ thuật.
Với cách làm bài bản đó, từ đầu năm đến nay trang trại của anh Chính đã thu về khoảng 700 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Bình quân mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn lợn thịt và 500 con lợn giống cùng nhiều sản phẩm khác như cá, rau, hoa quả…
Đào Duy