Với đặc thù sản xuất nông nghiệp phụ thuộc phần lớn nước trời nên dường như bà con các xã vùng cao Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương của huyện Nho Quan sẽ không có lịch ra đồng cố định nào mà cứ khi nào trời có mưa thì bà con bắt tay vào gieo trồng.
Và năm Canh Tý 2020 này, ông trời cho một trận mưa lớn ngay mùng 1 Tết nên ngay sau 3 ngày vui xuân, đón Tết, bà con vùng này đã nô nức ra đồng bắt tay vào sản xuất. Ông Đinh Xuân Cần, nông dân xã Phú Long vừa xuống giống lạc cho biết: "Vui xuân mới nhưng việc đồng áng không thể bỏ bê được.
Đối với người nông dân chúng tôi, việc xuống đồng đầu năm mới cũng quan trọng như ngày xuất hành chọn giờ đẹp, tiết trời thuận lợi để có một vụ mùa hanh thông. Thời tiết năm nay mưa ngay mồng 1 Tết, đưa nước về đồng ruộng, báo hiệu một năm sản xuất thuận lợi".
Bất chấp tiết trời se se lạnh của những ngày đầu xuân Canh Tý, nhiều hộ nông dân của xã Ninh Phúc (thành phố Ninh Bình) đã hối hả ra đồng để chăm bón cho lứa hoa mới.
Gia đình bà Lê Thị Xuân, thôn Đoài Thượng có hơn 1 sào hoa cúc. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu của thị trường tăng cao khiến giá bán hoa cúc tăng nhẹ, trung bình dao động từ 2-3 nghìn đồng/bông, bởi vậy chỉ với một lứa hoa, gia đình bà đã có thu nhập trên 10 triệu đồng.
Dự đoán giá hoa cúc sẽ còn tăng mạnh sau Tết nên bà Xuân tranh thủ ra đồng chăm sóc để lứa hoa mới ra đúng thời điểm. Đôi bàn tay thoăn thoắt bấm tỉa những nhánh hoa cúc, bà Xuân nói: Mục đích của việc bấm tỉa bớt nhánh hoa là để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi nụ hoa, để bông hoa to, nở đúng độ.
Thời điểm sau Tết là dịp lễ hội chính trong năm nên nhu cầu hoa cúc càng tăng cao, hoa càng có giá. Nên mặc dù mới mùng 4 Tết, tôi vẫn ra đồng để chăm sóc hoa.
Bà Xuân cũng cho biết thêm, vào đúng ngày mùng 1 Tết có trận mưa đá lớn, là chuyện hiếm gặp ở đây, đã gây ảnh hưởng đến vườn hoa của gia đình bà. Một số cây hoa cúc gãy, đổ rạp ngay giữa luống, nhiều thân hoa bị uốn cong.
Bởi vậy, bà và gia đình lại phải bắt tay vào "hồi sinh" lứa hoa cúc này. Đầu tiên là thu dọn những thân cây hoa đã gãy đổ, xới đất và tưới nước đầy đủ cho cây. Đồng thời nẹp lại những thân cây bị uốn cong để tạo dáng hoa thẳng. Sở dĩ mọi công đoạn đều phải tiến hành ngay sau Tết bởi tiết trời mùa Xuân là lúc cây hoa sinh trưởng, phát triển và phục hồi trở lại tốt nhất.
Được biết, nghề trồng hoa ở xã Ninh Phúc đã có lịch sử hình thành và phát triển hơn 40 năm. Đến nay, toàn xã Ninh Phúc có khoảng 300 hộ trồng hoa, cây cảnh với diện tích 200ha. Trồng hoa cho thu nhập ổn định cho các hộ dân, giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.
Tính cần cù, chịu khó của nông dân Khánh Vân (huyện Yên Khánh) không chỉ thể hiện ở hệ số sử dụng đất, giá trị sản xuất trên mỗi héc ta canh tác mà còn minh chứng trên cánh đồng ngay những ngày đầu năm. Mùng 6 Tết mặc dù không khí xuân vẫn tràn ngập nhưng trên đồng đã rất đông người, tiếng nói cười rôm rả, tiếng máy cày rền vang.
Bác Bùi Trung Thành, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, xã Khánh Vân tranh thủ lúc bà con ra đồng đông đủ đến từng thửa ruộng nhắc nhở từng nhà về ngày xuống giống từng loại cây trồng để đảm bảo đúng khung lịch thời vụ tốt nhất. Bác Thành cho biết: Toàn thôn có 71 mẫu rộng, trong đó có 41 mẫu cấy lúa, diện tích còn lại là đất màu trồng thuốc lào, lạc, ngô…
Hiện nay, toàn bộ diện tích thuốc lào bà con đã trồng xong từ trước Tết nguyên đán, diện tích lúa cấy cũng đã cơ bản làm đất xong chỉ chờ đến ngày là xuống giống, riêng diện tích cây màu mọi người đang tập trung xuống giống và chỉ trong ngày nay, ngày mai là xong.
Vụ đông xuân 2019-2020, Ninh Bình có kế hoạch gieo trồng khoảng 48.200 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa, ngô, lạc, mía và rau đậu các loại… Riêng cây lúa, phấn đấu diện tích gieo cấy đạt khoảng 40 nghìn ha, năng suất 66 tạ/ha, sản lượng gần 265 nghìn tấn. Với sự chủ động, tích cực xuống đồng lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm của nông dân mang tới những dự cảm tốt đẹp về một vụ sản xuất thắng lợi.
Hà Phương