Ông Lê Khắc Tẫn, Bí thư chi bộ ở phố Phúc Thiện, phường Phúc Thành năm nay bước sang tuổi 82, vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn và xốc vác với công việc của chi bộ, của khu phố. Ông cũng là một trong những bí thư chi bộ điển hình của Đảng bộ phường Phúc Thành.
Xuất thân trong gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Yên Thịnh, Yên Mô, gia đình ông từng là cơ sở cách mạng, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích nuôi dưỡng bộ đội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp nên hơn ai hết ông Tẫn thấm thía được tinh thần hi sinh, cống hiến cho Đảng, cho cách mạng của gia đình cũng như thế hệ cha anh, thế hệ đảng viên đi trước. Tháng 3 năm 1959, khi vừa tròn 18 tuổi ông Tẫn xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 305. Ông Tẫn nhớ lại: Tôi vào quân ngũ với tâm thế của những người trẻ yêu nước, nhiệt huyết và đầy lý tưởng cách mạng, mong góp sức nhỏ bé của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau một thời gian ngắn thử thách trong quân ngũ, ông Tẫn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm của cấp trên và đồng đội, được giao giữ cương vị Phó Bí thư rồi Bí thư chi đoàn và được đi báo cáo điển hình toàn quân tại Hà Nội về hoạt động của Đoàn trong phong trào thi đua "Thành lập thao trường Xã hội chủ nghĩa". Tròn 22 tuổi, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. "Ngày 5/2/1963, khi ấy tôi là trợ lý chính trị của Tiểu đoàn 4 và vinh dự được kết nạp Đảng. Ngày kết nạp Đảng là niềm tự hào lớn lao của bản thân, của gia đình, của đơn vị. Khi đọc lời tuyên thệ, cảm xúc thiêng liêng, tự hào lắm. Và lời thề thiêng liêng ấy đã theo tôi suốt cuộc đời, nhắc nhở tôi phải luôn phát huy ý chí cách mạng và nhuệ khí của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, tham gia phục vụ quân đội, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân"- Ông Tẫn chia sẻ.
Năm 1987, khi về nghỉ hưu ai cũng tưởng ông sẽ an hưởng tuổi già, sum vầy cùng con cháu, nhưng ông Tẫn luôn tâm niệm: "Về hưu không thể nói mình già/hăng say công tác vẫn là thanh niên", do vậy ông luôn trăn trở, mình phải làm gì để tiếp tục đóng góp cho địa phương? Và thế là trong suốt những năm qua, trong vai trò là Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, rồi sau này là Bí thư chi bộ phố, người ta vẫn thấy ông Tẫn luôn nhiệt tình, hăng hái trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Với bà con lối phố, ông luôn là người sống có nghĩa, có tình; gương mẫu trong cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần cho các con, cháu, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng.
Ông Tẫn chia sẻ: Dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi vinh dự được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Với tôi đây là phần thưởng cao quý nhất, bởi tấm Huy hiệu không đơn thuần là sự ghi nhận về con số tuổi Đảng mà còn là sự khẳng định, sự ghi nhận quá trình phấn đấu, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và sự cống hiến của bản thân khi đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Chia tay ông Tẫn, chúng tôi đến thăm gia đình bà Lê Thị Minh Thoa ở phố Trung Nhì, phường Tân Thành. Mùa Xuân này bà Thoa tròn 81 tuổi đời và 60 năm tuổi Đảng. Trò chuyện với chúng tôi, bà Thoa xúc động, bồi hồi nhớ lại quãng đời thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình: Sinh ra trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, một trong những nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh - làng Lỗi Sơn, xã Gia Phong (Gia Viễn), tôi cũng như nhiều người dân ở đây sớm được giác ngộ lý tưởng của Đảng. Tôi đã cùng nhân dân trong làng, xã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương như: phong trào thi đua lao động sản xuất; phong trào bình dân học vụ… và vinh dự là một trong số ít nữ thanh niên thời đó được kết nạp Đảng khi mới 19 tuổi.
Năm 1963, bà Thoa quyết định thoát ly khỏi đồng ruộng để trở thành công nhân của Nhà máy cơ khí 1/5 Ninh Bình. Trong vai trò là đảng viên, bà luôn phát huy tinh thần gương mẫu, hăng say lao động, sáng tạo và tích cực tham gia sinh hoạt Đảng, đóng góp trong các hoạt động của tổ chức đảng, tổ chức công đoàn ở Công ty và luôn được công nhận là lao động tiên tiến, lao động giỏi. Năm 1984, bà Thoa nghỉ hưu, tiếp tục tham gia các phong trào thi đua của khu phố trong vai trò cấp ủy chi bộ phố và hiện là một trong những thành viên hoạt động tích cực của Chi hội Người cao tuổi phố Trung Nhì.
Dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm", bà Lê Thị Minh Thoa được phép miễn sinh hoạt Đảng nhưng suốt mấy mươi năm qua, bà vẫn đều đặn tham gia sinh hoạt chi bộ. Không chỉ tích cực tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận với chi bộ mà bà còn là người gương mẫu trong mọi công việc, như đóng góp xây dựng nhà văn hóa phố, xây dựng đô thị văn minh, nhắc các thành viên trong gia đình xây dựng lối sống văn hóa, tích cực tham gia phát triển kinh tế, không để mình bị lạc hậu...
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Minh Thoa cho rằng: Để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam không phải dễ, đòi hỏi mỗi người phải phấn đấu, rèn luyện không ngừng. Về phía tổ chức đảng cũng vậy, để kết nạp được một đảng viên vào tổ chức phải dày công phát hiện, bồi dưỡng, chăm lo giáo dục, rèn luyện... Được sinh hoạt đảng là niềm vui, niềm tự hào, tôi sẽ tham gia sinh hoạt chi bộ đến khi nào sức khỏe còn cho phép, bởi với tôi chỉ có người cán bộ, công chức nghỉ hưu chứ không có đảng viên hưu.
Rời ngôi nhà nhỏ xinh của bà Thoa, đâu đó trong khu phố Trung Nhì vang lên giai điệu: "Đảng là cuộc sống của tôi /Mãi mãi đi theo Người/ Đảng đã cho tôi lẽ sống niềm tin, giữa biển khơi biết đâu là bờ/Bầu trời xanh chưa thấy bao giờ…". Những ca từ ấy ngân vang như tiếp thêm sức mạnh niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Minh Ngọc