Đây là một trong những cơ sở đào tạo hiện đại do chuyên gia Liên Xô thiết kế, đầu tư xây dựng và trang bị đồng bộ thiết bị giảng dạy. Suốt mấy chục năm qua, Trường luôn giữ vững truyền thống dạy tốt, học tốt, trở thành địa chỉ đào tạo nghề tin cậy trên toàn quốc hiện nay. Dù trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhưng dưới mái trường này sự tận tình giúp đỡ của những người bạn Nga và nhiều kỷ niệm về họ vẫn luôn được trân trọng, gìn giữ…
Chúng tôi gặp gỡ và trò chuyện với thầy giáo Hà Xuân Dũng, một trong những người có nhiều năm sinh sống, học tập tại Liên bang Xô-viết. Nhắc lại kỷ niệm về những người bạn Nga, thầy Dũng không giấu nổi xúc động, thầy kể: Năm 1981, tôi vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp cơ khí nông nghiệp T.Ư thì được cử về làm giáo viên Trường Việt - Xô. Lúc đó nhiều thiết bị giảng dạy hiện đại mà Chính phủ Liên Xô trang bị cho nhà trường vẫn chưa được khai thác, sử dụng triệt để. Vì vậy, tôi và 2 thầy giáo nữa đã được cử sang Bê-la-rút (thuộc Liên bang Xô-viết) để học sư phạm cơ khí. Cảm xúc đầu tiên khi chúng tôi đặt chân lên đất nước Nga là sự hồi hộp xen lẫn ngỡ ngàng, choáng ngợp trước sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, giao thông vận tải, cơ khí nông nghiệp... của nước bạn. Các bạn Nga đã đón tiếp chúng tôi như những người thân lâu ngày gặp lại. Chính vì vậy, chúng tôi không còn cảm thấy xa lạ, nỗi nhớ quê hương cũng vơi đi phần nào. Lớp học của chúng tôi gồm 23 người đến từ 16 tỉnh, thành trong cả nước. Suốt 4 năm học tại trường (1982-1986), chúng tôi đã được các thầy, cô giáo Nga giúp đỡ rất tận tình từ nơi ăn, chốn ở cho đến việc dạy ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Nhờ vậy, trình độ của các sinh viên Việt Nam nhanh chóng tiến bộ, sau này nhiều người đã trở thành những hạt nhân, nòng cốt trong các lĩnh vực cơ khí nông nghiệp của nước nhà.
Thầy Dũng hiện là thạc sỹ, Trưởng khoa Động Lực của Trường giờ vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật về đất nước Nga, con người Nga như: chiếc bàn là, chiếc quạt, nồi áp suất, cùng nhiều bức hình chụp chung với các chuyên gia, những người bạn Nga… Đây cũng là những kỷ vật mà cả gia đình thầy luôn trân trọng, giữ gìn.
Đối với Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp hôm nay thì sự hình thành và phát triển của nhà trường ghi dấu công lao to lớn của những người bạn Nga yêu quý. Những năm 1980-1985, Chính phủ Liên - Xô đã cử đoàn chuyên gia gồm 28 người sang Việt Nam giúp đỡ đào tạo đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Sau 18 năm (1979-1997) tồn tại độc lập, Trường công nhân cơ khí nông nghiệp Việt - Xô đã đào tạo được 5.748 công nhân bậc 3/7. Ngoài ra, Trường đã cùng với chuyên gia Liên Xô biên soạn, biên dịch 25 bộ giáo trình cho 9 nghề cơ khí và được ban hành, sử dụng chung cho khối các trường đào tạo ngành cơ khí nông nghiệp. Năm 1997, Trường Việt - Xô được sát nhập với 2 Trường: Trung học cơ khí nông nghiệp T.Ư và Công nhân xây dựng nông nghiệp để trở thành Trường Trung học dạy nghề cơ điện xây dựng Nông nghiệp - PTNT (nay là Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - xây dựng Tam Điệp).
Sau 12 năm thành lập, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp đã có nhiều bước chuyển tích cực, dần khẳng định thương hiệu của mình trong hệ thống các trường dạy nghề Quốc gia. Cơ sở vật chất của nhà trường không ngừng được củng cố, kiện toàn. Toàn trường hiện có 64 phòng học lý thuyết đạt chuẩn, 57 xưởng thực hành với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, trong đó có 7 phòng thực hành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Cùng với sự phát triển đào tạo nghề trên toàn quốc, những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp đã trở thành một địa chỉ tin cậy của nhiều học sinh, sinh viên. Năm 2008, số học sinh của trường tăng 50% so với kế hoạch, nâng quy mô đào tạo của Trường hiện nay lên trên 5.000 học sinh, tăng gấp 4 lần so với năm học 1997-1998. Ngoài ra, Trường còn thực hiện liên kết với các tỉnh: Đồng Tháp, Hậu Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Định... đào tạo hàng nghìn học sinh, sinh viên ở nhiều ngành nghề.
Tại các kỳ thi học sinh giỏi nghề cấp Bộ, cấp Quốc gia, cấp tỉnh, khu vực... nhà trường đều có học sinh đạt giải cao (2 Huy chương tại kỳ thi học sinh giỏi nghề ASEAN năm 2006; 15 giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp Quốc gia các năm 2004, 2006 và 2008). Với hàng chục mã ngành đã và đang được đào tạo ở các bậc sơ cấp, trung cấp và cao đẳng, 12 năm qua, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng Tam Điệp đã đào tạo được trên 23 nghìn kỹ thuật viên và công nhân kỹ thuật lành nghề, phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn của cả nước nói chung và Ninh Bình nói riêng.
Năm 2008, Trường đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Hiện nay, Trường đang xây dựng đề án chiến lược phát triển của nhà trường đến năm 2020. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Trường phát triển, hội nhập, phấn đấu trở thành Trường đại học công nghệ thực hành vào năm 2020. Thành công của nhà trường hôm nay mang đậm dấu ấn cũng như sự giúp đỡ về nhiều mặt của Chính phủ Nga, những chuyên gia Nga, đó cũng chính là nền tảng, là một bậc thang nâng bước trưởng thành của thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên nhà trường.
Mai Lan