Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Toàn Hội có 874 hội viên thì chỉ còn 1,5% hộ hội viên nghèo, tương đương với khoảng 10 hộ nghèo. Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy, Hội Nông dân được Đảng ủy xã giao nhiệm vụ giúp hội viên thuộc diện hộ nghèo thoát nghèo thông qua các hoạt động của Hội. Đặc thù của Hội nông dân Lưu Phương là số hội viên tham gia sản xuất nông nghiệp và số hội viên tham gia làm nghề phụ chiếm tỷ lệ cao, từ 95- 98%. Bởi vì, cùng với sản xuất nông nghiệp, từ hàng chục năm nay, Lưu Phương và nhiều địa phương của huyện Kim Sơn nổi tiếng với nghề cói truyền thống. Do đó, vấn đề việc làm đối với hội viên nông dân không khó khăn như một số Hội nông dân ở cơ sở gặp phải. Khi khảo sát và nắm bắt tình hình hộ nghèo trong toàn Hội, Ban thường vụ Hội nhận thấy những hộ nghèo chủ yếu là do đông con hoặc ít lao động, già cả neo đơn. Trong cách thức giúp giảm nghèo Hội nông dân xã cũng phải lựa chọn phương pháp phù hợp, như giúp đỡ hội viên nghèo kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh thông qua các buổi chuyển giao KHKT. Hội nông dân xã cũng đẩy mạnh hoạt động "tương thân tương ái", vận động những hội viên là chủ tổ hợp, là hộ có điều kiện kinh tế khá giúp hội viên nghèo về vốn, nguyên liệu, vật tư, con giống không lấy lãi, chậm trả vốn để làm nghề, triển khai chăn nuôi phù hợp với điều kiện của gia đình. Như năm vừa qua, Hội nông dân xã đã giúp một hội viên là anh Trần Văn Phi ở chi hội xóm 1 thoát nghèo thông qua nguồn vốn vay 3 triệu đồng và sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức...
Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã, đến nay, dư nợ cho vay trong toàn Hội đạt 1,6 tỷ đồng với hơn 300 lượt hội viên được vay. Qua theo dõi và kết quả sản xuất, chăn nuôi hàng năm của hội viên, có tới 85% số vốn vay được sử dụng đạt hiệu quả cao, 10% đạt hiệu quả thấp, chỉ có 5% chưa hiệu quả do gặp rủi ro. Năm nay, với trách nhiệm được cấp ủy phân công giúp 1 hộ nghèo thoát nghèo, Hội nông dân đã triển khai các hoạt động trợ giúp hội viên nghèo và phấn đấu cùng các đoàn thể, các xóm trong xã hoàn thành kế hoạch giảm nghèo đã đề ra.
Theo kế hoạch đã xây dựng, năm 2008 Lưu Phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,8% xuống còn 5,8%. Phát huy thế mạnh từ nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống là nghề cói cộng với một số nghề tồn tại trên địa bàn nhiều năm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương và vùng lân cận là nghề làm bún bánh, giò chả, dịch vụ… Thực hiện công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các đoàn thể tập trung tuyên truyền để hội viên, đoàn viên và người dân tích cực theo nghề, mở rộng và phát triển nghề mạnh mẽ, thu hút thêm lao động tham gia. Bên cạnh đó, hàng năm xã quan tâm chỉ đạo các đoàn thể mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT để người dân có điều kiện tiếp cận với kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất, chăn nuôi.
Từ đầu năm đến nay, xã mở được 3 lớp chuyển giao KHKT với hơn 200 lượt người tham gia và mở 1 lớp nâng cao nghề truyền thống cho hơn 100 lượt người tham gia. Đến nay, toàn xã có trên 1.300 lao động tham gia trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Đây cũng là lĩnh vực thu hút và tương đối thuận lợi để những hộ thuộc diện hộ nghèo tham gia làm nghề.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Độ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Chỉ tính riêng giá trị thu nhập từ dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp hàng năm của xã đạt trên 14 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,1 triệu đồng/người/năm. Do đó, khi đã theo các nghề tiểu thủ công nghiệp thì không người dân nào có thời gian nhãn rỗi trong năm, hàng tháng nếu chăm chỉ, cần cù cũng có thu nhập đều đặn 600- 700 nghìn đồng/người. Trừ số hộ nghèo thuộc diện hộ già cả neo đơn, không còn sức lao động được giúp đỡ theo cách triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách theo quy định, những hộ nghèo có sức lao động, khó khăn về vốn hoặc chưa biết cách làm ăn… đều được giúp đỡ để có thêm nghề phụ và gắn bó lâu dài với nghề để thoát nghèo.
Lý Nhân