86 tuổi, không còn sức khỏe để tận tay giã bánh giầy dâng tổ tiên ngày Tết, song năm nào cũng vậy, cụ Lê Văn Thái ở thôn An Phú, xã Khánh Phú vẫn tích cực tham gia vào đội giã bánh giầy của thôn với vai trò vừa là… cố vấn, vừa là người hoàn tất công đoạn cuối cùng của quá trình làm bánh giầy: vắt bánh. Cụ Thái bảo, ở Khánh Phú, người dân giã bánh giầy chủ yếu vào hai đợt chính. Đó là chiều 30 Tết để dâng tổ tiên và chiều ngày mùng 3 Tết để dâng lên Đức thánh Nguyễn Minh Không trong ngày lễ hội làng. Vì vậy, việc giã bánh giầy bao giờ cũng được bà con trong thôn, trong xã thực hiện với sự thành tâm, tôn kính nhất. Tục giã bánh giầy được cả 8 thôn trong xã Khánh Phú duy trì, song thôn An Phú là thôn hào hứng và có nhiều gia đình giã nhất. Năm nay, để có gạo ngon giã bánh, ngay từ đầu năm, thôn An Phú đã lựa chọn hai gia đình trong thôn để giao nhiệm vụ cấy lúa nếp ngon, phục vụ cho giã bánh giầy ngày Tết. Theo tục của làng, những hộ được giao nhiệm vụ cấy lúa là những hộ khỏe mạnh, con cái ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc… với mong muốn sẽ mang lại sự khởi đầu may mắn, đủ đầy, hạnh phúc cho suốt một năm sắp tới.
Tục giã bánh giầy ở Khánh Phú có tự bao giờ thì không ai rõ, nhưng từ khi "nhìn thấy mặt trời" thì cụ Thái và các bậc cao niên trong làng, trong xã đã trở thành những người phải có trách nhiệm gìn giữ tục lệ này rồi. Cụ Thái kể, thời xưa, đời sống của bà con thiếu thốn, vất vả lắm. Nhưng việc giã bánh giầy ngày Tết thì bao giờ cũng được ưu tiên, chăm chút nhất, bắt đầu từ việc chọn giống lúa nếp ngon để gieo cấy. Những hộ gia đình được giao nhiệm vụ trồng lúa được xem là niềm tự hào và gia đình cụ nhiều năm được thực hiện nhiệm vụ ấy. Khi cấy lúa nếp cho làng, bà con tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học hoặc phân chuồng để bón cho lúa, mà chỉ sử dụng lá xoan bón ruộng để phòng sâu bệnh và đảm bảo hạt gạo làm bánh được ngon lành nhất. Vào vụ, dù phải bận rộn với cả mẫu ruộng, song những thửa lúa nếp vẫn được gia đình cụ chăm chút hơn cả. Lúa nếp thu hoạch về, được các thành viên xếp hàng ngồi tuốt bằng… đũa hoặc lấy bát dóc hạt dọc theo thân bông lúa. Sau công đoạn tuốt lúa, là đến công đoạn phơi. Lúa nếp bao giờ cũng được dành cho khoảng sân nhiều nắng nhất và tuyệt đối không được để lẫn dù chỉ vài hạt lúa tẻ.
Những ngày giáp Tết, những người được phân công phục vụ cho việc giã bánh giầy tích cực hoàn tất công tác chuẩn bị vào chiều 30 Tết. Từ khi đồ xôi, đến khi vắt bánh, các công đoạn ấy chỉ đòi hỏi sự kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, song công tác chuẩn bị đòi hỏi sự công phu. Trước đó chừng một tuần, những người đàn ông đã phải chuẩn bị chày, cối để giã bánh, chuẩn bị rơm để đồ xôi; các chị phụ nữ chuẩn bị gạo, còn các thanh niên trẻ thì được thôn giao nhiệm vụ mang chum ra tận giữa dòng sông Đáy để lấy nước về lọc thật trong dùng để đồ xôi. Đúng chiều 30 Tết, mọi người trong thôn tề tựu đông đủ và bắt tay vào việc giã bánh. Trước đó, những người phụ nữ khéo tay trong xóm đã nổi lửa để đồ xôi. Khi xôi chín, ấy là thời điểm mà các thanh niên trai tráng của thôn bắt tay vào nhiệm vụ giã bánh. Xôi càng nóng thì việc giã bánh càng thuận lợi, dễ dàng mà chiếc bánh cũng dẻo, thơm hơn. ở công đoạn giã bánh giầy bao giờ cũng có 3 người trực tiếp tham gia giã, trong đó hai người giã nhịp nhàng đứng hai bên và một người điều khiển chày cái ngồi ở giữa. Công việc giã bánh tưởng đơn giản nhưng không hề nhàn nhãn, bởi không chỉ đòi hỏi sự dẻo dai, khỏe khắn của đôi tay mà còn cần sự khéo léo, tinh tế trong quan sát… đảm bảo cho hai người giã được nhịp nhàng, tránh va chạm. Khi bánh được giã dẻo quánh, lập tức được đưa ra để cho những người khéo tay vê tròn thành những chiếc bánh xinh xắn, đặt trên những tàu lá chuối. Lá chuối để đặt bánh cũng phải lựa từ những cây chuối tây, được rửa thật sạch và lau khô. "Có những năm, trong thôn tổ chức thi làm bánh giầy nhằm thu hút các cháu thanh niên tham gia. Những chiếc bánh đạt độ dẻo, vừa thơm, vừa đẹp sẽ được thưởng. Phần thưởng là những tràng pháo tay khích lệ của bà con, và những chiếc bánh đó sẽ được lựa chọn mang dâng ở ngôi Đền của làng"- cụ Thái nói.
Ngày nay, đời sống của bà con Khánh Phú không ngừng được nâng cao. Ngày Tết, thậm chí các gia đình đều sung túc, sắm sửa được nhiều sản vật thơm ngon từ các vùng, miền khác, song bà con vẫn gìn giữ tục lệ giã bánh giầy để thành tâm cúng tổ tiên và coi đây là một "món ngon" rất riêng của quê nhà để mang ra thết đãi khách quý. Việc giã bánh bây giờ đỡ vất vả hơn xưa, nhưng những công đoạn chuẩn bị thì vẫn tỉ mỉ, cầu kỳ như vậy từ khâu trồng lúa, chọn gạo, đồ xôi đến khi giã bánh. Anh Lê Văn Hiến, cán bộ đoàn xã Khánh Phú và cũng là một trong những thanh niên rất tâm huyết và có ý thức trong việc duy trì, gìn giữ nét đẹp giã bánh giầy đầu năm. Nhiều lần, bánh của anh Hiến làm được các cụ cao niên khen cả về hình thức và chất lượng bánh. Sự khích lệ ấy càng tiếp thêm cho anh động lực để góp phần lan tỏa nét đẹp đầu xuân ấy đến với đông đảo thanh niên trong thôn, trong xã.
Đào Hằng