Thầy giáo Lê Thành Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo cách tổ chức giờ chào cờ truyền thống ở các trường THPT hiện nay, việc tiến hành một giờ chào cờ còn cứng nhắc, chủ yếu là Ban lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường nhận xét đánh giá hoạt động của tuần trước, đôi khi nặng về kiểm điểm, phê bình, chỉ trích, áp dụng một số biện pháp kỷ luật thiếu tích cực đối với học sinh; phần triển khai kế hoạch tuần tới còn thiên về giáo huấn khô cứng…
Cách tổ chức như vậy thường dẫn đến tâm lý nhàm chán, ít hứng thú đối với giáo viên và học sinh, gây ra hiện tượng học sinh mệt mỏi, thiếu tập trung, mất trật tự trong giờ chào cờ.
Trước thực tế đó, Trường THPT Nho Quan C đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và nhận thấy có thể lồng ghép việc học tập của một hay một số môn học nhất định dưới hình thức chuyên đề ngoại khóa hay sân khấu hóa việc học tập đó.
Theo đó, trường đã lồng ghép kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương người tốt việc tốt (thực hiện trong năm học 2014-2015) và lồng ghép học tập môn Tiếng Anh trong năm học 2015-2016.
Việc triển khai thực hiện chuyên đề "Lồng ghép học tập Tiếng Anh trong giờ chào cờ" được thực hiện từ tháng 9/2015, tiến hành qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1- khâu chuẩn bị: Nhà trường xây dựng kế hoạch và tuyên truyền rộng rãi đến các lớp, phân công giáo viên hướng dẫn; chọn cử mỗi lớp 3 học sinh, giao chủ đề cho các em chuẩn bị bài hùng biện sau đó chọn 1 em xuất sắc nhất tham gia thi hùng biện cấp trường.
Giai đoạn 2 - Tổ chức các vòng thi sơ loại: 100% các lớp tham gia trong 8 tuần với 8 chủ đề khác nhau, mỗi tuần 3 lớp, mỗi khối 1 lớp. Giai đoạn 3 - Học tập trải nghiệm: 8 lớp nhất và 1 lớp nhì có số điểm cao nhất từ vòng thi sơ loại được tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, mỗi lớp 3 học sinh.
Giai đoạn 4 - Tổ chức các vòng thi bán kết: Vòng thi diễn ra trong 3 tuần với 3 chủ đề khác nhau, mỗi tuần 3 lớp. Giai đoạn 5 - Tổ chức thi chung kết và báo cáo kết quả chuyên đề: 3 lớp nhất của vòng thi bán kết được chọn tham gia hùng biện về Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (có minh họa bằng hình ảnh, video… mà trước đó các em đi thực tế thực hiện được).
Trong các vòng thi, nhà trường đều có những phần thưởng phù hợp cho các đội và các em học sinh đạt giải cao, động viên, khuyến khích các em tiếp tục học tập, trau dồi kiến thức tiếng Anh để thực hiện các phần thi ngày càng tốt hơn.
Cũng theo thầy giáo hiệu trưởng Lê Thành Dương, việc tổ chức chuyên đề đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều phương diện. Một mặt vẫn giữ được những hoạt động trang trọng trong giờ chào cờ nhằm tôn vinh ý thức tự hào dân tộc, trân trọng Quốc kỳ, thể hiện lòng yêu nước, yêu dân tộc, ý thức trách nhiệm với những công việc cụ thể của mỗi người.
Những nội dung cơ bản nhất, cần phải có trong giờ chào cờ đã được lãnh đạo nhà trường, Đoàn trường triển khai ngắn gọn trong thời gian khoảng 15 phút; 30 phút còn lại là sân chơi kiến thức (Tiếng Anh), năng lực (văn nghệ, diễn xuất), kỹ năng sống (giao tiếp, thuyết trình, hoạt động tập thể…). Với cách tổ chức này, học sinh được vui chơi, học tập; thầy cô giáo phấn khởi không mất thời gian quản trật tự; giờ chào cờ trôi qua nhẹ nhàng, lí thú-là sự mong đợi của mọi người trong mỗi tuần làm việc.
Em Trần Thị Ngát, học sinh lớp 11C cho biết: Chúng em rất hào hứng và thú vị khi trong các giờ chào cờ có nhiều hoạt động ngoại khóa thiết thực. Đặc biệt là chuyên đề học tiếng Anh, qua các phần thi, vòng thi được tổ chức hàng tuần, chúng em vừa được học hỏi thêm kỹ năng nghe, nói, vừa được cổ vũ hết mình cho các anh chị, các bạn dự thi, tạo một sân chơi bổ ích, lý thú và thoải mái cho chúng em trước khi vào tuần học tập mới.
Càng vui hơn nếu bạn và đội của lớp mình đạt kết quả cao, được chọn vào các vòng thi sau, lúc đó chúng em lại tập trung bàn bạc, động viên các bạn cố gắng ôn luyện, trau dồi thêm kiến thức để đạt kết quả cao hơn.
Việc tổ chức chuyên đề tiếng Anh trong giờ chào cờ giúp đội ngũ giáo viên Tiếng Anh của nhà trường được phát huy tối đa năng lực chuyên môn, tạo được ấn tượng và mối quan hệ giao lưu với các đồng nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, học sinh hào hứng, tích cực hơn đối với môn học, tạo được phong trào học và sử dụng tiếng Anh; nhiều em được thỏa mãn niềm đam mê ca hát tiếng Anh hoặc trình diễn các điệu nhảy trên nền nhạc có lời hát tiếng Anh.
Đồng thời, qua việc tổ chức chuyên đề đã huy động được tối đa sự quan tâm, đầu tư của phụ huynh về thời gian và vật chất: Phụ huynh đứng ra tổ chức và tài trợ kinh phí cho các chuyến đi học tập trải nghiệm tại Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Vườn quốc gia Tam Đảo…
Có thể nói, với việc tổ chức chuyên đề "Lồng ghép học tập Tiếng Anh trong giờ chào cờ" của trường THPT Nho Quan C đã đem lại hiệu quả thiết thực, là một trong những cách học tiếng Anh sáng tạo, hiệu quả, không chỉ đổi mới hình thức tổ chức các giờ chào cờ, qua đó còn góp phần nâng cao chất lượng day-học môn tiếng Anh cũng như nhiều môn học khác trong các nhà trường.
Hạnh Chi