Quá tải từ thành phố... đến nông thôn
Trường Mầm non Vân Giang, phường Vân Giang (thành phố Ninh Bình) nhiều năm nay quá tải ở tất cả các nhóm lớp. Học sinh phải học chật chội gấp 1,5-2 lần so với quy định trong các phòng học, sinh hoạt, sân chơi không có nên các đồ dùng, đồ chơi hầu hết phải "xếp xó". Năm học 2017-2018 tiếp tục là năm nhà trường đối mặt với áp lực quá tải. Cô giáo Lê Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2017-2018, Trường có 7 nhóm lớp với 249 cháu, trong đó nhà trẻ có 1 nhóm với 40 cháu, mẫu giáo 6 nhóm với 209 cháu. Điều đáng nói là, tất cả các nhóm lớp đều quá tải 1,5-2 lần theo quy định của Thông tư 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, nhóm nhà trẻ quy định chỉ có 25 cháu trên lớp, thì tại trường có đến 40 cháu; nhóm trẻ 5 tuổi quy định 25-30 cháu/lớp, thì nhà trường có 2 lớp, mỗi lớp hơn 40 cháu. Tuy số lượng giáo viên tính trên đầu lớp tại nhà trường hiện đủ với 2 giáo viên/lớp, nhưng việc có quá đông học sinh trong một diện tích lớp chật hẹp như hiện nay làm cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ gặp rất nhiều khó khăn và thực sự vất vả cho đội ngũ giáo viên.
Sự quá tải ở bậc học mầm non không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố mà cả các vùng nông thôn, thậm chí vùng sâu vùng xa - nơi mà diện tích đất đai tưởng như rất thoải mái và rộng rãi. Điển hình như Trường Mầm non Thạch Bình (Nho Quan), năm học này có 634 cháu, đòi hỏi phải có trên 20 phòng học, nhưng hiện trường mới có hơn chục phòng học, đang thiếu 10 phòng học. Do thiếu phòng học nên trẻ phải học trong điều kiện rất chật chội với số lượng từ 40-45, thậm chí là 50 cháu/lớp. Nhà trường xác định nhóm trẻ 5 tuổi cần được ưu tiên để dạy và học các kiến thức cơ bản trước khi vào lớp 1 nên bố trí cho 197 cháu ở 5 lớp, mỗi lớp cũng đến 39-40 cháu, vượt quy định từ 10-15 cháu/lớp, rất khó khăn cho công tác dạy và học.
Cô giáo Trần Thị Như Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Như nhiều năm trước đây thì nhà trường phải đi vận động để có đủ học sinh đến học, nhưng vài năm gần đây, do trình độ dân trí phát triển và đặc biệt là điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn thì số học sinh nhập học quá đông dẫn đến tình trạng quá tải. Hiện chưa phải là thời điểm chốt số lượng trẻ đến trường trong năm học 2017-2018 còn khá nhiều cháu ở độ tuổi nhà trẻ từ 24-36 tháng tuổi và trẻ 3 tuổi vẫn đang tiếp tục đến trường. "Thú thực, chúng tôi đang rất lo nếu có thêm nhiều học sinh đến nhập học, mà từ chối thì không được - đây là con, em địa phương và hiện trên địa bàn xã không có lớp tư thục mầm non nào cả" - cô Như Hòa chia sẻ thêm.
Trước áp lực về sĩ số đồng nghĩa với việc các nhà trường phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, quá tải về sĩ số/ lớp học, quá tải về cơ sở vật chất trường lớp và đội ngũ giáo viên thì gặp nhiều khó khăn, vất vả, lo lắng trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Theo cô giáo Lê Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vân Giang (thành phố Ninh Bình), trước thực tế khó khăn về phòng học, nhà trường đang chọn giải pháp khắc phục tạm thời là cải tạo các phòng ngủ của trẻ để phân chia học sinh ra cho rộng rãi, phục vụ cả việc học và vui chơi vì sân trường rất chật hẹp. Các phòng học phải sử dụng chung công trình vệ sinh, các giáo viên chạy đi chạy lại giữa 2 phòng, phối hợp với nhau để dạy học và chăm sóc trẻ… Do không đủ điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp mà nhiều năm nay, mặc dù các điều kiện về trình độ đội ngũ, chất lượng giáo dục… trường đều đạt và vượt yêu cầu đề ra, nhưng Trường Mầm non Vân Giang là trường còn lại duy nhất trên địa bàn thành phố Ninh Bình chưa được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2.
Đối với Trường Mầm non Văn Phú (Nho Quan), nhà trường hiện có 550 cháu ở 13 nhóm lớp, theo quy mô của nhà trường, quy định phải có 30 giáo viên mới đảm bảo đủ 2 giáo viên/lớp theo quy định, nhưng hiện nhà trường mới chỉ có 19 giáo viên, còn thiếu đến 11 giáo viên, đấy là chưa kể số giáo viên hiện có không phải lúc nào cũng đầy đủ, có thể nay người ốm, mai người có việc gia đình, ngày kia có người phải đi họp, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn… Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, giáo viên 1 lớp nhà trẻ có 48 học sinh chia sẻ, một ngày đối với giáo viên mầm non quay như "chong chóng", chỉ riêng việc trông coi, cho ăn uống, giữ gìn vệ sinh… để đảm bảo cho các cháu ăn - ngủ đúng giờ, sinh hoạt trật tự, khỏe mạnh khi về với gia đình, không xảy ra một tai nạn nhỏ nào cũng đã là một việc khó, nói gì đến tổ chức được nhiều các hoạt động dạy dỗ, vui chơi. Đã có những cô giáo mầm non ngất ngay tại lớp học. Chúng tôi thật sự áp lực và vất vả.
Tìm giải pháp giảm tải
Theo đồng chí Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, vài năm gần đây, bậc học mầm non tỉnh Ninh Bình liên tục tăng về số lượng dẫn đến tình trạng quá tải ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 152 trường mầm non, trong đó có 148 trường công lập và 4 trường tư thục, gồm 2 nghìn 209 nhóm lớp với trên 64 nghìn trẻ. Mỗi năm toàn tỉnh tăng thêm vài nghìn đến gần chục nghìn học sinh mầm non, riêng năm học 2017-2018 tăng khoảng 5 nghìn trẻ. Toàn tỉnh hiện có 125/148 trường mầm non công lập, với 864 nhóm lớp có số trẻ quá tải làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục mầm non, trong đó có 60 trường có số trẻ quá tải nhiều. Cụ thể là: Nhóm 24-36 tháng tuổi, định mức quy định tối đa 25 trẻ/nhóm, có 14 trường có số trẻ bình quân/nhóm cao hơn từ 7-35 trẻ so với quy định; lớp 3 tuổi, định mức quy định tối đa 25 trẻ/lớp, có 45 trường có số trẻ bình quân/lớp cao hơn từ 10-34 trẻ so với quy định; lớp 4 tuổi, định mức quy định tối đa 30 trẻ/lớp, có 46 trường có số trẻ bình quân/lớp cao hơn từ 10-26 trẻ so với quy định và lớp 5 tuổi, định mức quy định tối đa 30 trẻ/lớp, có 37 trường có số trẻ bình quân/lớp cao hơn từ 10-30 trẻ so với quy định.
Tổng số phòng học hiện có (không bao gồm phòng học nhờ, phòng học mượn, phòng học tạm) là 1.748 phòng/2.007 nhóm lớp. Số phòng học thiếu là 259 phòng; trong đó phòng học ghép là 154, phòng học tạm ở các phòng chức năng của trường là 90 phòng và phòng học nhờ nơi khác là 15 phòng. Cùng với đó có hàng chục phòng học và nhiều sân vườn, tường bao, bếp ăn, văn phòng, nhà hiệu bộ… là những hạng mục không đảm bảo an toàn hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các địa phương vẫn đang được sử dụng… Tổng số giáo viên hiện có là 4.074 người, trong đó có 3.924 biên chế và 150 giáo viên hợp đồng. Định mức giáo viên theo Thông tư 06 cần 4.584 người, trong đó 1.407 giáo viên nhà trẻ và 3.177 giáo viên mẫu giáo. Cân đối số giáo viên hiện có so với định mức giáo viên theo Thông tư 06 là thiếu 511 giáo viên (210 giáo viên nhà trẻ và 301 giáo viên mẫu giáo). Cùng với đó, căn cứ Thông tư 06 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc học mầm non cũng đang thiếu 834 nhân viên nấu ăn và 25 nhân viên kế toán, y tế, văn thư, thủ quỹ… Những điều này đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ cũng như công tác duy trì chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi và xây dựng trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục.
Trước tình trạng quá tải ở bậc học mầm non như hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường mầm non công lập mở thêm lớp nếu như đảm bảo đủ các điều kiện. Tăng thêm các trường tư thục và các nhóm trẻ gia đình trên địa bàn thành phố Ninh Bình, Tam Điệp và những nơi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các phòng Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giúp đỡ các trường tư thục, các nhóm trẻ gia đình để đảm bảo các tiêu chí và an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non. Đối với khu vực nông thôn, việc tìm nhà đầu tư xây dựng trường mầm non ngoài công lập sẽ gặp khó khăn, bởi đời sống, thu nhập của người dân chưa đáp ứng được số học phí trang trải cho việc học. Vì vậy, giải pháp được nhiều địa phương nông thôn lựa chọn để giảm tải áp lực tuyển sinh là xây dựng thêm các phòng học, huy động xã hội hóa đầu tư cho bậc học mầm non. Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác tham mưu với lãnh đạo các cấp về chủ trương, cơ chế, chính sách để từng bước huy động nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng đội ngũ giáo viên, đảm bảo về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, từng bước giảm áp lực tuyển sinh và tình trạng số trẻ/lớp vượt quá số lượng quy định tại các trường công lập như hiện nay.
Mỹ Hạnh