Kỳ 4: Cái "bẫy" của người Pháp
Được các đồng nghiệp Báo Điện Biên dẫn chúng tôi tới thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, chúng tôi mới cảm nhận một cách chân thực, rõ nét về vị trí chiến lược, nguyên nhân và ý đồ chiến lược trong việc xây dựng Tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp.
Thung lũng Điện Biên bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh dài hơn 20 km, rộng 6 km, có sông Nậm Rốm chảy qua. ở đây từ cuối năm 1953 Thực dân Pháp đã cho quân đổ bộ và biến nơi đây thành một pháo đài bất khả xâm phạm với lực lượng mạnh, được trang bị nhiều vũ khí hiện đại. Về mặt địa lý chiến lược, lòng chảo Điện Biên Phủ được chính Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương Herry Navarre đánh giá là căn cứ lục quân, không quân tốt nhất ở miền Bắc Đông Dương, rất thuận tiện cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm phòng thủ. Không những thế, Bộ Chỉ huy Pháp còn tính toán rằng, ở Điện Biên Phủ, nơi cách Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa từ 300 đến 500 km đường chim bay, chỉ có Quốc lộ số 6 từ Hà Nội đi qua Hòa Bình, Sơn La lên, thì việc Việt Minh bảo đảm vũ khí, đạn dược, hậu cần, lương thực, thuốc men... cho hàng vạn người chiến đấu trong một thời gian dài là rất khó, nếu không nói là không thể thực hiện được. Sở dĩ như vậy là vì Bộ Chỉ huy Pháp cho rằng quân ta chủ yếu vận chuyển bằng đôi vai và các phương tiện thô sơ như xe đạp thồ, ngựa thồ, thuyền mảng, nếu có đi theo đường số 6 sẽ bị máy bay của Pháp ném bom chặn đánh.
Hố hình phiễu, dấu tích khối bộc phá nghìn cân của bộ đội ta khi chiếm lại đồi A1
Hơn nữa, hình thức tập đoàn cứ điểm đã được phía Pháp áp dụng xây dựng trong chiến cuộc Đông Xuân 1951-1952, tại thị xã Hòa Bình, trong chiến dịch Hòa Bình; tại Nà Sản (10-1952), trong chiến dịch Tây Bắc, nhưng bộ đội ta đều không đánh được, thậm chí bị tổn thất nặng nề, thì với Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được xây dựng kiên cố, quân đông (16.000 người), nhiều vị trí và trung tâm đề kháng (49 cứ điểm, 8 trung tâm đề kháng), lại có cầu hàng không tiếp tế liên tục với số lượng lớn... từng được viên tướng Tổng chỉ huy tiền nhiệm của Navarre là Salan đánh giá là "Nà Sản lũy thừa 10", được Bộ Chỉ huy Pháp coi là bất khả xâm phạm. Nếu bộ đội ta có liều lĩnh đánh vào thì tập đoàn cứ điểm sẽ trở thành cái "bẫy", "cái nhọt hút độc", là "cái cối xay thịt" chủ lực Việt Minh. Chính vì thế, cả Pháp và Mỹ đều rất chủ quan, thậm chí còn cho thả truyền đơn "thách Tướng Giáp tiến công" Điện Biên Phủ...
Ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Trải qua ba đợt chiến đấu gay go và gian khổ, liên tục trong 55 ngày đêm, ngày 7-5-1954, quân và dân Việt Nam đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống trên 16.000 tên địch. Toàn thể bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm do tướng Đờ Cátxtơri cầm đầu đã bị bắt sống... Không lẽ gì nhà sử học nổi tiếngngười Anh Peter MacDonald đã nhận định: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người hiếm hoi của thế giới này đã làm thay đổi dòng chảy của lịch sử". Hãng tin AP của Mỹ cũng nhận xét: "Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã không những mang lại độc lập cho Việt Nam mà còn đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ thực dân khắp Đông Dương và xa hơn nữa". Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc Pháp phải hòa đàmvà rút ra khỏi Đông Dương, các thuộc địa ở Châu Phi được cổ vũ cũng đồng loạt nổi dậy. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp…
Về Điện Biên, được chứng kiến những di tích lịch sử hào hùng, đoàn chúng tôi không khỏi bùi ngùi khi nhớ tới hình ảnh anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng; Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào Sở chỉ huy cắm cờ lên lô cốt Him Lam… Đó là những hình tượng sẽ sáng mãi trong lòng những người con đất Việt, "Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam /Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam /Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng..."
Điện Biên hôm nay, đâu đó trên những quả đồi, bên những góc phố đầy nắng và hoa, vẫn còn nhiều lô cốt, những lỗ châu mai đen ngòm, xám ngoét, như một chứng nhân của lịch sử. Mùa xuân Giáp Ngọ - 1954, lòng chảo Mường Thanh bị chà đạp dưới gót giầy quân xâm lược, 60 năm sau, xuân Giáp Ngọ - 2014, Điện Biên như bừng sáng bởi khí phách hiên ngang của những người lính năm xưa. Vượt lên những hố bom nham nhở, những lỗ châu mai đen ngòm, xám ngoét là một mảnh đất yên bình đang thực sự hồi sinh...
Kỳ 3 : Đến với Điện Biên
Kỳ sau: Điện Biên mảnh đất hồi sinh
Bài, ảnh: Xuân Tứ