Lễ hội Báo Bản, làng Nộn Khê, xã Yên Từ (huyện Yên Mô) được tổ chức vào ngày 13, 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ và tri ân công đức của vị thành hoàng làng, những người có công khai hoang lập làng, các vị anh hùng dân tộc, những người đã có công giữ nước…
Theo ông Bùi Đại Hà, Chủ tịch UBND xã Yên Từ, thì tục lệ Báo Bản đã có từ rất lâu đời và được nâng niu, gìn giữ cho đến tận hôm nay. Lễ hội đã trở thành nét đẹp, là nơi thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của nhân dân trong thôn, trong xã. Bởi vậy, dù bận rộn làm ăn, học tập ở đâu, mỗi khi làng mở hội thì con, em địa phương đều sắp xếp thời gian để về trẩy hội làng với cả tấm lòng thành kính, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân đã có công bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ làng xã và báo công với các vị tiền nhân những kết quả đã đạt được trong một năm nỗ lực học tập, lao động. Nét đặc sắc ở mỗi lễ hội làng, đó là người dân không đặt nặng chuyện "mâm cao, cỗ đầy" mà ai cũng đều mong muốn được dâng lên nơi thờ tự một vật phẩm do chính tay mình làm ra và thành tâm cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà đoàn kết, ăn nên làm ra. Không chỉ đặc sắc ở cả phần lễ và phần hội, lễ hội Báo Bản ở Nộn Khê còn cuốn hút du khách bởi hai phiên chợ đêm vào tối ngày 12 và 13 tháng Giêng. ở phiên chợ đó, du khách gần xa có dịp thưởng thức các món ăn dân dã của quê nhà như bánh gai, bánh đúc, bún riêu… để những người con trong làng, ngoài xã dù có đi đâu, ở đâu vẫn nặng lòng nhớ về quê hương.
Bà Nguyễn Thị Tố Hằng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Yên Mô cho biết, hiện nay, huyện Yên Mô có khoảng 60 lễ hội, tổ chức từ tháng Giêng cho đến tháng Ba, trong đó chủ yếu là các lễ hội làng. Con em địa phương và du khách thập phương về trẩy hội vào dịp tổ chức hội làng, bao giờ cũng vậy, cùng với những nghi thức truyền thống trong phần lễ, những hoạt động trong phần hội cũng được chú trọng và khơi dậy nhiều trò chơi dân gian khác như: tổ tôm, điếm, đu quay, cờ người, chọi gà… tạo nên sức hấp dẫn đối với mọi người dân cho đến tận bây giờ.
Hiện nay, toàn tỉnh có 225 lễ hội được tổ chức trong năm, trong đó có 158 lễ hội được tổ chức vào dịp đầu xuân, riêng trong tháng Giêng thì có 52 lễ hội được tổ chức. Hầu hết, các lễ hội ở tỉnh ta là lễ hội làng. Điểm đặc biệt là tuy cuộc sống ngày càng hiện đại, song những nét văn hóa truyền thống trong việc tổ chức lễ hội đều được các địa phương nâng niu, gìn giữ và đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng, miền. Ví như, trong các lễ hội làng, huyện Kim Sơn có tổ chức bơi chải; huyện Yên Khánh, Yên Mô tổ chức các chiếu chèo, hát văn, hát xẩm… Ngược lên vùng núi Nho Quan thì sẽ bắt gặp các trò chơi bắn cung, bắn nỏ, hát đúm của trai gái dân tộc Mường, còn người dân Hoa Lư thì sôi nổi, hào sảng với các trích đoạn cờ lau tập trận… Bởi vậy, tuy là những lễ hội làng nhưng đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Việc tổ chức các hoạt động lễ và hội dần đi vào nề nếp ổn định và hình thành các mô hình quản lý phù hợp với từng địa phương. Trong lễ hội, phần lễ được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần hội, các địa phương đều tổ chức lồng ghép các hoạt động tâm linh với hoạt động văn hóa nghệ thuật, hoạt động thể thao phong phú, sôi động để phục vụ nhân dân trong suốt thời gian mở hội. Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự trong lễ hội được đảm bảo, các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động dịch vụ văn hóa trái quy định, các vi phạm di tích đều được phát hiện và xử lý kịp thời.
Đối với mùa lễ hội năm 2020, tỉnh ta đặt ra mục tiêu tổ chức lễ hội phải đạt các tiêu chí lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, thông qua đó góp phần giáo dục truyền thống, gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ. Và để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh đã lên kế hoạch chỉ đạo các địa phương có hoạt động lễ hội phải thực hiện tốt việc xây dựng kịch bản nghiêm túc, đầy đủ, đúng trọng tâm. Tổ chức lễ hội truyền thống phải đảm bảo cả phần lễ và phần hội. Riêng phần hội ưu tiên khôi phục các trò chơi dân gian, các môn thể thao cổ truyền mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền… phấn đấu, để mỗi lễ hội mùa Xuân ở tỉnh ta đều tạo được nét đặc sắc, lôi cuốn, trở thành " bảo tàng sống" gìn giữ được sức hấp dẫn từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội mùa Xuân- một nếp văn hóa dân gian sẽ là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại để thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đào Hằng