Thời gian gần đây, Lễ hội Hoa Lư được UBND tỉnh Ninh Bình nâng tầm tổ chức với quy mô cấp tỉnh, khẳng định, Lễ hội Hoa Lư lớn không chỉ bởi tầm vóc, quy mô tổ chức mà còn bởi đây chính là nơi hội tụ, kết tinh bản sắc văn hóa truyền thống của Ninh Bình, là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Cố đô Hoa Lư. Theo đó, lễ hội được thực hiện theo kịch bản lễ hội đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong Kế hoạch tổ chức lễ hội cũng đã chỉ rõ quy mô, thời gian, địa điểm tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, từ đó kêu gọi được sự chung tay, vào cuộc của toàn xã hội, góp phần để lễ hội thành công và ngày càng thể hiện sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư.
Theo sử sách xưa ghi lại, mùa xuân năm Mậu Thìn 968, cách đây 1.050 năm, trên mảnh đất Trường Yên, Đinh Bộ Lĩnh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thống nhất 12 sứ quân - lên ngôi Hoàng đế, lập nên Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, chọn Hoa Lư làm Kinh đô, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Sau đó, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ trên nền móng cũ của cung điện để tưởng nhớ công đức của hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Lễ hội Trường Yên được cộng đồng dân cư nơi đây tổ chức cũng nhằm mục đích ghi nhận những công lao to lớn của vua Đinh, vua Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Thông qua các phần tế lễ cổ truyền, người dân gửi vào đó những nét văn hóa tâm linh, niềm tự hào về truyền thống văn hóa của địa phương, quê hương mình.
Hiện nay, Lễ hội Hoa Lư được phục dựng lại gần như đầy đủ các phần lễ của thời cha ông, bao gồm: Lễ Mở cửa đền, Rước nước, Tế lễ cổ truyền, Rước kiệu, Cầu siêu, Hoa đăng, Mộc dục, Tiến phẩm… Điều đáng nói là thành phần tham gia các nghi lễ này không còn gói gọn ở cư dân xã Trường Yên mà mở rộng ra khắp các xã trong huyện Hoa Lư cùng thực hiện trong các Đoàn tế: Nam quan, Nữ quan, Đồng quan và các kiệu được rước đến từ những di tích lịch sử-văn hóa liên quan đến các triều Đinh, Tiền Lê ở nhiều xã trên địa bàn huyện Hoa Lư cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa, truyền thống của các huyện, thành phố trong tỉnh như: Biểu diễn múa rồng, cồng chiêng, múa trống, rối nước, thi cắm trại, thi mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi ẩm thực, thi cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, bắn cung, bắn nỏ; giao lưu bóng chuyền các đơn vị của huyện Hoa Lư, giải vật dân tộc của tỉnh; chương trình ca múa nhạc dân tộc, triển lãm ảnh nghệ thuật "Non nước Ninh Bình", trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và những đặc sản tiêu biểu của tỉnh, các hoạt động quảng bá du lịch Ninh Bình..., tạo thành không khí lễ hội linh thiêng, nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa.
Lễ hội Hoa Lư năm 2018 dự kiến tổ chức song hành cùng Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) nhằm mục đích khẳng định vị trí, vai trò và giá trị lịch sử to lớn của sự kiện Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lập nên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc. Từ đó tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Thông qua các hoạt động kỷ niệm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng… Cùng với đó là cơ hội để quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế-xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, về đất và người Cố đô Hoa Lư, từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển các hoạt động thương mại, du lịch, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hạnh Chi