Nho Quan là huyện miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 17% dân số toàn huyện. Trong đó, riêng người Mường có hơn 12 nghìn người, chiếm hơn 15% dân số, ngoài ra có nhiều cộng đồng dân tộc khác sống đan xen như: Tày, Thái, Nùng, Dao, Sán Chay, Mơ Nông, Cao Lan... Đặc điểm về dân cư tạo nên sự đa dạng về các sắc thái văn hóa, phong tục tập quán làm nên nét bản sắc riêng của văn hóa Nho Quan. Những tiết mục mang nét văn hóa độc đáo này cũng đã được huyện Nho Quan lựa chọn để tham gia giao lưu văn nghệ quần chúng trong dịp Lễ hội Hoa Lư sắp tới.
Ông Bùi Hồng Y, một thành viên cao tuổi nhất trong đội cồng chiêng xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan) không dấu được niềm xúc động khi nhiều năm liên tiếp cùng đội cồng chiêng biểu diễn tại Lễ hội Hoa Lư. Ông chia sẻ: Đến nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, chiêng trở lại trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Những tiết mục được các thành viên của đội văn nghệ xã thuộc nằm lòng, năm nào cũng biểu diễn vào dịp Tết và ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc… Nhưng cảm xúc khi được biểu diễn ở một nơi đặc biệt như Lễ hội Hoa Lư, trước các du khách thập phương thì vẫn rất khó để diễn tả. Chúng tôi tập luyện để tiết mục thêm hoàn hảo, mang đến cho lễ hội truyền thống một nét riêng của đồng bào Mường.
Những ngày này, không khí tập luyện của đội múa trống xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) cũng rất hăng say. Cũng như tiếng cồng chiêng đối với đồng bào Mường, đối với người dân xã Khánh Tiên nói riêng, huyện Yên Khánh nói chung thì điệu múa trống cũng đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là niềm tự hào về một nét văn hóa đặc trưng.
Chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ nhiệm đồng thời là người múa trống cái của CLB múa trống xã Khánh Tiên cho biết, từ nhiều năm nay, cứ vào ngày quê hương mở hội Hoa Lư, những thành viên trong CLB múa trống xã Khánh Tiên lại náo nức chuẩn bị tiết mục để tham gia. Tập luyện từ nhiều năm nay, mỗi động tác đã trở nên thuần thục vậy nhưng cứ trước ngày khai hội, các thành viên lại tề tựu, dày công tập luyện vào tất cả các buổi tối với mong muốn sẽ mang đến lễ hội, giới thiệu với du khách thập phương về bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương Khánh Tiên.
Trải qua bao thế hệ, lấy cảm hứng từ niềm vui của người nông dân mừng ngày hội mùa, những người dân lao động nơi đây đã sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa trống, đưa múa trống trở thành nét văn hóa đặc sắc trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Với sức sống bền bỉ, ban đầu, múa trống chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội của làng quê Khánh Tiên, sau này khi mọi người đã truyền dạy và luyện tập cho nhau theo lối truyền khẩu thì dần dần múa trống trở thành hình thức sinh hoạt của cả cộng đồng, được đông đảo người dân yêu thích.
Ông Bùi Quang Bưởng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Khánh cho biết, ngoài tiết mục múa trống đặc sắc, huyện Yên Khánh còn tham gia Lễ hội Hoa Lư ở nhiều nội dung khác như: Tổ tôm điếm, nấu ăn, giao lưu nghệ thuật quần chúng, Hội trại thanh niên, Cờ người, Chọi gà, Trưng bày mâm ngũ quả, Vật dân tộc, viết Thư pháp và tham gia gian hàng giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống và đặc sản tiêu biểu của huyện. Hiện nay, tất cả các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các tiết mục, chương trình tham gia lễ hội đều tích cực tập luyện, sáng tạo ra các tiết mục mới, đóng góp vào hoạt động chung của Lễ hội Hoa Lư.
Đặc biệt, năm nay huyện Yên Khánh cũng sẽ mang đến Hội diễn văn nghệ quần chúng những làn điệu chèo đặc sắc, được thể hiện bởi những "diễn viên" chân đất. Những làn điệu chèo được viết lời mới, thể hiện lòng tự hào về những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà đạt được trong suốt chặng đường qua. Sự đổi thay ấy được thể hiện rõ ở những vùng quê nông thôn mới với những con đường bê tông phẳng lỳ, những nếp nhà cũ được thay bằng nhà cao tầng, nhà ngói đỏ tươi…
"Đến hẹn lại lên", Lễ hội Hoa Lư năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9-11/3 âm lịch. Bên cạnh các nghi lễ truyền thống được tổ chức tôn nghiêm nhằm tôn vinh công đức của các bậc Tiên Đế, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước thì phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống và hiện đại cũng được tổ chức, hy vọng sẽ làm nức lòng du khách thập phương.
Không những vậy, Lễ hội Hoa Lư còn hứa hẹn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền. Nếu như huyện Nho Quan nổi tiếng với bản cồng chiêng hùng tráng, huyện Yên Khánh gắn với điệu múa trống rộn ràng thì huyện Kim Sơn lại nổi bật bởi điệu trống nhảy, huyện Yên Mô gây ấn tượng bởi làn điệu xẩm cổ… Mỗi địa phương sẽ là một sắc màu văn hóa rất riêng, rất đáng nhớ trong lòng du khách.
Thu Hằng-Minh Quang