Đây là lễ hội thường niên lớn nhất của tỉnh Ninh Bình và cũng là một trong gần 100 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Việt Nam được công nhận với đầy đủ các tiêu chí như tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, được kế tục qua nhiều thế hệ… Cùng với Cố đô Hoa Lư, Lễ hội Hoa Lư là một bộ phận quan trọng của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Lễ hội Hoa Lư là một sự kiện văn hóa quan trọng, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn, do đó, tỉnh Ninh Bình đã huy động sự vào cuộc, tham gia của nhiều đơn vị, sở, ngành và tất cả các địa phương trong tỉnh nhằm khơi dậy và phát huy bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của từng vùng, miền, địa phương; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thi đua lao động sản xuất; góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, thu hút khách trong và ngoài nước về với Ninh Bình...
Đối với Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, những ngày gần diễn ra Lễ hội Hoa Lư, lượng khách tham quan, du lịch đổ về đông gấp nhiều lần ngày thường, nhất là khách nước ngoài. Theo đồng chí Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm, nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, quảng bá của tỉnh được thực hiện khá tốt, không chỉ khách du lịch trong nước về dự hội mà còn thu hút khá đông khách nước ngoài dừng chân, tìm hiểu về lễ hội truyền thống của Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Bà Kathryn, du khách đến từ Califorina, giảng viên một trường Đại học tại Mỹ chia sẻ, tôi đến tham quan Ninh Bình đúng dịp diễn ra lễ hội Hoa Lư, thật thú vị khi thấy những công trình đền thờ Vua ở đây thật đẹp, mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Cảnh quan đẹp mắt với núi non, sông nước thật tuyệt. Đặc biệt là công tác chuẩn bị cho lễ hội của mọi người dân rất tích cực, niềm vui, sự phấn khởi, tự hào thể hiện trong từng ánh mắt, nụ cười của họ. Tôi sẽ ở lại đây vài ngày để được tham dự lễ hội của các bạn, được dịp hiểu hơn về những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất Cố đô Hoa Lư...
Tuyên truyền trực quan về Lễ hội Hoa Lư 2019 tại thành phố Ninh Bình. Ảnh: Minh Quang
Thực hiện nhiệm vụ của mình, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư đã tích cực giới thiệu, quảng bá tới nhân dân và du khách tham quan về ý nghĩa, vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc; các thông tin về Lễ hội Hoa Lư 2019 thông qua đội ngũ thuyết minh viên. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương trong việc tuyên truyền, quảng bá về Lễ hội. Đồng thời tổ chức chăng treo cờ, băng zôn, khẩu hiệu về Lễ hội trong khuôn viên và dọc tuyến đường vào Khu di tích.
Đặc biệt, công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường... được Trung tâm phối hợp và lên kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, như kiểm tra hệ thống điện chiếu sáng, hương nến thắp trong hai ngôi đền; phân công cán bộ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, nắm tình hình, đảm bảo công tác an ninh trật tự, không để xảy ra các vụ mất cắp về tài sản, hiện vật của khách; thường xuyên tổng dọn vệ sinh môi trường, chỉnh trang hệ thống cây xanh, bài trí thảm hoa, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp...
Theo đồng chí Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, ở Lễ hội Hoa Lư năm nay, ngoài duy trì những phần lễ và phần hội như mọi năm, về phần hội có thêm nội dung thi kéo chữ Thái Bình. Đây là một nét mới, nhằm ca ngợi công lao to lớn của vua Đinh Tiên Hoàng. Bởi sau khi lên ngôi Vua, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, vua Đinh lấy niên hiệu là Thái Bình với ý nghĩa mong cho đất nước luôn được thái bình và thịnh vượng.
Qua việc phục dựng lại hoạt động kéo chữ Thái Bình, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được lịch sử cũng như khát vọng hòa bình, quốc gia thịnh vượng, ấm no đã có từ thời ông cha xưa, để hôm nay, thế hệ con cháu đời sau cần phát huy và giữ gìn. Phần thi kéo chữ được giao về các trường THCS trên địa bàn huyện Hoa Lư. Đến nay, các trường đã chọn ra đội hình kéo chữ gồm 48 học sinh và tổ chức luyện tập thường xuyên, sẵn sàng phục vụ cho Lễ hội.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Lễ hội Hoa Lư 2019 cho biết: Lễ hội Hoa Lư là lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Bình, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội hiện nay được phục dựng lại gần như đầy đủ các nghi lễ của thời cha ông mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hóa thời Đinh - Lê, cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của các huyện, thành phố trong tỉnh, tạo không khí linh thiêng, nhộn nhịp và đa sắc màu văn hóa, là cơ hội để tỉnh Ninh Bình quảng bá tiềm năng, thế mạnh cũng như những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Cố đô Hoa Lư. Từ đó thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển.
Lễ hội Hoa Lư 2019 chính thức diễn ra từ ngày 13-15/4/2019 (tức từ 9-11/3 âm lịch). Riêng một số lễ như lễ cầu siêu và thả hoa đăng, lễ mở cửa đền được thực hiện sớm hơn. Phần lễ gồm các nghi thức: Lễ mở cửa đền, lễ cầu siêu và lễ hội hoa đăng, lễ dâng hương, lễ rước nước, lễ thượng long, lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu (từ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về lễ hội), lễ tạ và các loại hình tế lễ như: Tế cửu khúc, tế lễ của các đoàn tế nam quan, nữ quan, đồng quan.
Phần hội được tổ chức thành các nhóm nội dung, bao gồm: Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội; các hoạt động văn hóa văn nghệ; hội trại thanh niên; các trò chơi dân gian; các hoạt động thể dục, thể thao; các hoạt động trưng bày, triển lãm quảng bá du lịch, thương mại với hàng chục nội dung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao truyền thống, hiện đại và các trò chơi dân gian như: Múa rối nước, múa trống, biểu diễn cồng chiêng, chọi gà, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm, bắn cung, bắn nỏ, kéo co, thi và trưng bày mâm ngũ quả tiến vua, thi thư pháp, thi cắm hoa, thi chèo thuyền khéo, thi đấu bóng chuyền, giao lưu văn nghệ quần chúng, biểu diễn nghệ thuật chèo, trưng bày hiện vật về Kinh đô Hoa Lư, triển lãm ảnh nghệ thuật, trưng bày giới thiệu các sản phẩm thủ công truyền thống, quảng bá du lịch của các địa phương…
Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2019 với chủ đề "Đinh Tiên Hoàng đế - khát vọng thái bình", gồm 3 chương: Chương I: Cờ lau dựng đại nghiệp; Chương II: Đinh Tiên Hoàng đế - Khát vọng thái bình và chương III: Ninh Bình - Nhịp điệu mới, được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài PTTH Ninh Bình và một số Đài PTTH địa phương khác vào tối ngày 13/4 (9/3 âm lịch) tại Sân lễ hội, Khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư.
Tất cả các hoạt động này được tổ chức trải đều từ sáng đến tối trong các ngày diễn ra lễ hội, tạo nên một không gian sắc màu lễ hội vừa linh thiêng vừa ý nghĩa. Người dân cũng như du khách tham quan sẽ không chỉ được đắm chìm trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn được hòa mình vào không gian lễ hội vừa trang nghiêm, xúc động, vừa vui tươi, phấn chấn, bởi các nội dung của phần lễ và phần hội đem lại.
Trải qua hơn 1050 năm, Lễ hội Hoa Lư đã ăn sâu vào tiềm thức và là niềm tự hào lớn lao của mỗi người dân Ninh Bình. Một mùa lễ hội mới đang về trên vùng đất Cố đô Hoa Lư lịch sử. Những danh lam thắng cảnh đẹp, những giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa cùng tấm lòng thân thiện, mến khách của người Tràng An xưa vẫn được gìn giữ nguyên vẹn ở các thế hệ hôm nay, hứa hẹn nhiều khám phá, trải nghiệm và sự hài lòng cho mỗi du khách thập phương trong cuộc hành hương đầy ý nghĩa về với Cố đô nghìn năm văn hiến, đặc biệt trong mùa lễ hội 2019. Để rồi, đến hẹn lại nhớ "Tháng ba mở hội Trường Yên thì về".
Mỹ Hạnh