"Dù ai buôn đâu bán đâu/ Tháng Ba mở hội rủ nhau mà về", Lễ hội Hoa Lư từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống ăn sâu vào tâm thức của những người con đất Việt, là nơi để trở về nguồn cội của những người con xa quê, là điểm hẹn văn hóa tâm linh của du khách thập phương. Lễ hội Hoa Lư năm 2022 đã khép lại, nhưng những dư âm, tình cảm về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, về con người Cố đô thanh lịch, mến khách sẽ còn lưu lại đậm sâu trong lòng hàng vạn du khách gần xa.
Lễ hội Hoa Lư: "Điểm hẹn" về nguồn
Lời hẹn tháng Ba
Trong ngày đầu tiên khai hội, ngay từ sáng sớm, trên các nẻo đường về xã Trường Yên- nơi diễn ra lễ hội Hoa Lư đã nhộn nhịp người qua lại. Bà Bùi Thị Chế cùng hàng chục hội viên phụ nữ đến từ tỉnh Hòa Bình không giấu được niềm xúc động khi lần đầu tiên được đặt chân lên mảnh đất Cố đô giàu truyền thống lịch sử, văn hóa để được tận tay thắp nén tâm nhang tưởng nhớ công đức của Tiên Đế và các bậc tiền nhân có công với nước.
Bà Chế chia sẻ: Tôi là một nông dân, công việc nhà nông bận rộn và nhiều vất vả. Bởi thế cho nên đến tận bây giờ, khi đã chuẩn bị bước vào tuổi "thất thập cổ lai hy", tôi mới thực hiện được tâm nguyện về dâng hương tại đền thờ vua Đinh, vua Lê. Để chuẩn bị cho chuyến hành hương này, đoàn chúng tôi đã thuê xe đi từ rất sớm để tới đây từ lúc 7 giờ sáng, kịp chứng kiến nhiều nghi lễ truyền thống rất độc đáo trong ngày khai hội Hoa Lư như lễ Mộc Dục, lễ Tiến phẩm, lễ rước kiệu...
Ngoài ra, chúng tôi cũng có cơ hội thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng của địa phương như biểu diễn cồng chiêng, múa trống, hát chèo... Cũng trong hành trình về nguồn đặc biệt này, chúng tôi còn được về thăm Động Hoa Lư hay còn gọi là Động Thung Lau ở xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) để được tận mắt chiêm bái vẻ đẹp kỳ vỹ nhuốm màu huyền thoại của nơi đã được Đinh Bộ Lĩnh chọn làm căn cứ khởi nghiệp.
Du khách về dự lễ hội.
Cụ Hoàng Hữu Cung quê ở xã Ninh An huyện Hoa Lư năm nay 87 tuổi. Cụ Cung rất vui khi vẫn còn có thể đi trẩy hổi khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Đến ngày khai hội, cụ Cung đã nhờ em trai út là ông Hoàng Văn Lãi sắp xếp công việc để đưa đi trẩy hội. Sức khỏe của cụ đã kém hơn năm ngoái nhiều, nhưng cụ vẫn cố gắng tham gia nhiều nghi lễ truyền thống, thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa trong ngày khai hội.
"Tôi đã cao tuổi rồi, cũng không biết còn được dự lễ hội Hoa Lư thêm được bao nhiêu lần nữa. Với tôi, về với lễ hội là được trở về với cội nguồn. Từ chục năm nay, hầu như năm nào quê hương mở hội tôi cũng về. Vậy mà mỗi lần về với lễ hội, cái cảm giác háo hức, linh thiêng vẫn còn vẹn nguyên. Tôi thực sự tự hào về một lễ hội đậm đà bản sắc văn hóa của quê hương mình" - Cụ Hoàng Hữu Cung cho biết.
Dấu ấn đậm sâu trong lòng du khách
Bác Bùi Đình Trọng, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Nhân dịp Ninh Bình mở hội Hoa Lư, tôi và các con, cháu thu xếp công việc để về dâng hương tưởng nhớ các vị Tiên Đế và các bậc tiền nhân đã có công với nước. Về với lễ hội Hoa Lư, không những được tìm hiểu, được biết nhiều hơn về thân thế, sự nghiệp của vị quân vương huyền thoại Đinh Tiên Hoàng, chúng tôi còn có cơ hội được thưởng lãm vẻ đẹp huyền bí của mảnh đất Cố đô lịch sử.
Sau khi dâng hương tại Đền thờ vua Đinh, vua Lê Đại Hành, tôi dành nhiều thời gian để đi tham quan các gian trưng bày cổ vật, hiện vật, tư liệu, hình ảnh của triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý để tìm hiểu về lịch sử, giá trị truyền thống kinh đô Hoa Lư thế kỷ thứ X cũng như thân thế, sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành.
Tôi cũng rất hào hứng khi được tham quan triển lãm ảnh "Non nước Ninh Bình" với hàng trăm bức ảnh của các nhiếp ảnh gia. Những bức ảnh lột tả vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Ninh Bình như: phong cảnh Cố đô Hoa Lư, Tràng An - Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, vẻ đẹp Vân Long, một góc thành phố Ninh Bình... đã giúp du khách phương xa như tôi có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về vẻ đẹp và sự đa dạng văn hóa của mảnh đất này. Tôi dự định mua bức ảnh điện để bàn làm quà tặng cho người thân và lưu lại kỷ niệm khi được tham gia trẩy hội Hoa Lư…
Lễ hội Hoa Lư còn là cơ hội trải nghiệm rất đặc biệt của nhiều du khách nước ngoài. Chị Hải Linh, hướng dẫn viên cho một nhóm du khách ngoại quốc cho biết: Đoàn khách hôm nay có hơn 10 người. Tôi đưa khách đến trải nghiệm du lịch ở Trường Yên theo hình thức du lịch homstay từ trước hôm khai mạc lễ hội 1 ngày. Tôi đã đưa du khách đi thăm quan, chứng kiến người người, nhà nhà ở xã Trường Yên tất bật chỉnh trang, dọn dẹp nhà cửa, đường xá và chuẩn bị lễ vật để tỏ tâm thành, dâng hương trong ngày khai hội… các vị khách đều tỏ ra rất háo hức và chờ đợi giây phút được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc tại lễ hội Hoa Lư.
Nhiều du khách rất hứng thú với các trò chơi dân gian tại lễ hội.
Ngay trong ngày đầu tiên của lễ hội, nhóm khách của chị Hải Linh đến Sân lễ hội Hoa Lư từ rất sớm để tận mắt thưởng thức các nghi thức rước nước truyền thống, các tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc được tổ chức sôi động. Dừng lại khá lâu để chiêm ngưỡng những mâm ngũ quả được tạo hình vô cùng độc đáo của Hội Phụ nữ trong Hội thi mâm ngũ quả tiến vua, nhiều du khách cẩn thận nhờ người hướng dẫn phiên dịch lại những lời mà tác giả thuyết minh về tác phẩm của mình.
"Thật thú vị, mỗi tác phẩm là một công trình nghệ thuật. Không chỉ phô diễn kỹ thuật, sự khéo léo để người xem có dịp thưởng lãm, mà mỗi tác phẩm tham gia hội thi đều là một ý tưởng, một câu chuyện riêng rất đặc biệt và là một cách để mỗi người dân tưởng nhớ đến công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng.
Những ngày này, tôi đã nghe chủ nhà và các bạn hướng dẫn viên kể lại rất nhiều câu chuyện lịch sử về Vua Đinh Tiên Hoàng, song khi nhìn cách mà mỗi người nâng niu, chăm chút tác phẩm của mình với tất cả sự thành kính, xúc động nhất để tỏ lòng tri ân đối với Tiên Đế thì tôi mới hiểu rõ Vua Đinh Tiên Hoàng có ý nghĩa to lớn như thế nào trong trái tim và đời sống của người dân nơi đây.
Được tham quan tại lễ hội Hoa Lư là một trải nghiệm đặc biệt, tôi sẽ nhớ mãi về mảnh đất với bề dày lịch sử, với những con người hồn hậu, mến khách và thủy chung". Ông Kim, một du khách người Hàn Quốc chia sẻ.