Trước khi nghỉ Tết Nguyên đán, mấy chị em ở cơ quan chị Thanh (phường Phúc Thành- thành phố Ninh Bình) đã hẹn nhau đầu năm chọn một ngày để đi lễ ở các đền, chùa trong tỉnh. Vài năm nay, trong lịch trình đi lễ đầu năm của các chị sẽ là các địa điểm: chùa Bái Đính, đền Vua Đinh, vua Lê, đền thờ Trương Hán Siêu, chùa Non Nước... Theo như chị Thanh lý giải: Đi lễ ở đâu không quan trọng, miễn là thành tâm. Những điểm mà các chị lựa chọn đều là các địa điểm hết sức quen thuộc với người dân Ninh Bình bởi gắn liền với lịch sử của quê hương... Cũng chẳng lễ vật cầu kỳ, mỗi nơi đến đều được các chị chuẩn bị hương, hoa, thành kính dâng hương với mong muốn cầu bình an, may mắn cho gia đình, người thân.
Khác với suy nghĩ của chị Thanh, với quan niệm "Bụt chùa nhà không thiêng", nhiều người lại chọn việc đi lễ ở các đền, chùa xa xôi như: đền Trần (Nam Định), chùa Keo (Thái Bình), bà chúa Kho (Bắc Ninh), chùa Đồng (Yên Tử- Quảng Ninh)... Như gia đình chị Hoa (phường Vân Giang) thì phải đến những nơi nổi tiếng như thế mới "thiêng". Năm nào cũng vậy, ăn Tết xong là 2 vợ chồng chị lên đường. Để đi được nhiều đền, chùa ở nhiều tỉnh, thành, vợ chồng chị "kết nối" với các "bản hội" để tham gia. Theo thống nhất, chị Hoa sẽ đi lễ ở những đền, chùa ở xa như Quảng Ninh, Lạng Sơn. Anh Thành chồng chị sẽ đi lễ ở những nơi gần hơn như đền Trần, chùa Keo. "Phải lễ nhiều nơi thì mới có lộc"- với suy nghĩ như thế nên năm nào gia đình chị cũng phải tốn trên chục triệu đồng cho việc sắm sửa lễ vật, thuê xe cộ để theo các "bản hội". Được biết, không riêng gì gia đình chị Hoa, khi kinh tế khá giả có "bát ăn, bát để", nhiều gia đình rất "sính" việc lễ bái và khá "sùng bái" việc đi lễ. Có chứng kiến một "bản hội" chuẩn bị lễ vật để đi lễ đầu năm mới thấy hết được sự lãng phí và mang đậm màu sắc mê tín. Với quan niệm "trần sao âm vậy", họ bỏ ra vài chục triệu đồng để sắm lễ với đủ các thứ: nào mũ, áo, xe cộ, tiền âm phủ, thuê thầy cúng đi cùng... Không chỉ đi lễ vào đầu năm mới, các "bản hội" đi lễ quanh năm. Đã là thành viên của "bản hội" thì có nghĩa là không được vắng mặt trong bất cứ cuộc đi lễ nào và điều quan trọng là... phải có nhiều tiền. Chính vì vậy mà những "bản hội" được hình thành phần lớn là của dân kinh doanh, buôn bán. Giới công chức Nhà nước thường đi lễ gắn với tham quan, du lịch đầu năm và khó có nhiều người có điều kiện về tiền bạc, thời gian để theo các "bản hội" như vậy.
"Có mặt" trong hoạt động lễ hội đầu năm mới không thể không nhắc đến lễ đầu năm ở các đền, chùa. Kể từ mùng 5, 6 tết cho đến hết tháng giêng, các chùa trên địa bàn thành phố Ninh Bình như: chùa Non Nước, chùa Phúc Chỉnh, chùa Trẻ, chùa Bích Đào... chật cứng người đến làm lễ đầu năm. Với quan niệm cầu cho một năm mới bình an, may mắn, nhiều gia đình đến đăng ký và tham gia lễ đầu năm ở một ngôi chùa gần nơi cư trú. Cũng không tốn kém nhiều tiền, lại mang tính chất tập thể vì một "khóa lễ" như vậy gồm khoảng 100 gia đình, được nhà chùa đứng ra tổ chức khá chu đáo, bài bản nên lễ đầu năm ở chùa được nhiều gia đình lựa chọn. Trong suốt buổi lễ, mặc dù kéo khá dài thời gian, từ 17h chiều đến 21h tối, nhưng ai nấy đều thành tâm khấn lễ. Đã nhiều năm nay, việc tham gia lễ đầu năm đã trở thành việc làm không thể thiếu của nhiều gia đình trong những ngày đầu xuân.
Quyền tự do tín ngưỡng của mọi công dân luôn được Đảng và Nhà nước tôn trọng và điều này thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, mặc dù công tác tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TƯ của Bộ Chính trị được đẩy mạnh, nhưng ở một số nơi vẫn còn tình trạng đốt vàng mã tràn lan, không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Không thể không kể đến ý thức của một số người khi đi lễ. Mặc dù các đền, chùa đều có biển ghi rõ không thắp hương, không đặt lễ mặn, không chen lấn, xô đẩy khi vào lễ... nhưng mặc cho các quy định của nhà chùa, vẫn còn những hành vi, lời nói không được "phải phép" cho lắm cứ thản nhiên xuất hiện ở nơi vốn được coi là chốn tôn nghiêm. Chưa kể, với nhận thức chưa đúng, nhiều người còn coi việc đi lễ đầu xuân như một "cứu cánh" để cầu xin tài, lộc, tiền bạc...
Lý Nhân