Trước đây, hội Trường Yên (tên gọi cũ của Lễ hội Cố đô Hoa Lư) chỉ tổ chức với quy mô cấp xã để tưởng nhớ vị vua đầu tiên dựng nền độc lập của dân tộc. Nhờ vào tài, đức và mưu lược xuất chúng, từ một cậu bé mục đồng thích chơi trò tập trận cờ lau, ông đã tập hợp quần chúng, thu phục nhân tâm, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế.
Theo dân gian, Lễ hội được tổ chức vào rằm tháng hai, vì đây là ngày sinh của ông, bởi thế mới có câu ca truyền miệng: "Dù ai buôn bán đâu đâu/Tháng hai mở hội rủ nhau mà về/Dù ai buôn bán trăm nghề/Tháng hai mở hội thì về Trường Yên". Sau này lễ hội được tổ chức vào 10-3 âm lịch, lấy tên gọi là Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, kỷ niệm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế. Xuyên suốt những ngày diễn ra lễ hội là hành trình tìm về cội nguồn dân tộc. Các nghi lễ là sự mô phỏng, tôn vinh những giá trị văn hóa trong thời kỳ Đinh - Tiền Lê như: lễ rước nước, tế lễ cổ truyền, tích "Đức Tiên Đế cờ lau tập trận" tái hiện trên sân khấu sự kiện "Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế"...
Vào buổi sáng ngày khai hội hàng năm diễn ra lễ rước nước. Trước ngày khai hội, người ta "trồng" ở sông Hoàng Long (gần cửa Đại Hoàng xưa) một cây tre lớn, cành lá xanh tốt. Trên ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú. Nội dung những lời chú đại lược là Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn Rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị Hoàng Đế nước Đại Việt - sau dựng nên cơ nghiệp nhà Đinh, dẹp được loạn sứ quân cát cứ, thu giang san về một mối; Cầu mong thần Sông giữ cho dòng nước mát hiền hòa, phù trợ cho dân nước Đại Việt tránh mọi điều ác dữ…
Giờ Thìn ngày khai hội, khi mặt trời sắp ló lên khỏi đỉnh Mã Yên, đoàn rước nước khởi hành từ đền Vua Đinh. Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm và cả một phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn, trên kiệu có hương án, bên trong đặt một bình sứ, ngoài phủ vải điều do tám nam thanh niên khỏe mạnh khiêng. Trang phục của họ tựa như lính túc vệ nhà Đinh xưa, áo đỏ, vàng, tay áo cộc, cổ áo viền xanh có thêu họa tiết lối cổ, đầu chít khăn đỏ, vàng theo lối "thủ rìu".
Ngay sau kiệu rước này là các vị quan khách, đại biểu các cơ quan, đoàn thể, địa phương. Tiếp đến là những kiệu bát cống có tán, lọng song hành trên vai các trinh nữ, mang các lễ vật. Đi bên mỗi kiệu là một bô lão vận trang phục "thượng đẳng thần". Lại có cả một vị trong trang phục hoàng đế - thiên tử đi rước nguồn nước quý để cuộc rước thêm ý nghĩa tối thượng, tối linh. Đoàn người đi sau chỉnh tề hình khối là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, đủ sắc màu, nghiêm trang, háo hức.
Đoàn rước ra đến bến sông Hoàng Long thì hương án có đặt bình sứ được đưa xuống thuyền nan trước tiên, sau đó là rồng vàng, sư tử... Vị chủ tế trịnh trọng đọc bản sớ trình xin rước nước, bốn trinh nữ vận áo tân thời, đầu vấn khăn xếp nhẹ nhàng, thanh thoát múc nước sông thiêng đổ vào bình sứ, để đưa về đền Vua Đinh làm lễ dâng hương. Vị chủ tế cùng các vị "quần thần" đốt tờ sớ trình thả xuống dòng sông. Trống chiêng vang lên cấp tập. Đoàn rước lên bờ, trở về đền Vua Đinh theo thứ tự lúc khởi hành.
Lễ rước nước được coi là hoạt động ý nghĩa và quan trọng nhất trong khuôn khổ Lễ hội Cố đô Hoa Lư, được hàng nghìn người dân tham gia. Cuộc rước nước truyền thống ở Lễ hội Cố đô Hoa Lư hàng năm biểu hiện mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, bao hàm những yếu tố: linh khí núi sông, tâm thức dân gian về cội nguồn đất nước, dân tộc theo đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Quang cảnh Lễ hội cố đô Hoa Lư năm 2012. Ảnh: Phạm Trường Ngoài phần lễ, du khách có thể đi tham quan quang cảnh của Khu di tích Cố đô Hoa Lư với thế núi non trùng điệp như thành lũy. Từ ngoài đường chính, du khách có thể nhìn thấy ngọn cờ hội trên đỉnh núi Mã Yên. Núi nằm ngay trước cửa đền thờ vua Đinh, có hình chiếc yên ngựa. Tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng định đô ở Trường Yên đã lấy núi này làm "án". Lăng vua Đinh ở chính giữa yên ngựa, là nơi ngọn núi võng xuống rộng khoảng 50 m2, đầu lăng quay về phía đền thờ vua Đinh, có đắp nổi hình "Lưỡng long chầu nguyệt".
Tiếp đó là Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, được xây dựng trên nền cung điện xưa, đã được trùng tu nhiều lần. Trong đền có tượng vua Đinh bằng đồng và tượng 3 Hoàng tử: Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn. Đền vua Đinh có gần 30 câu đối, đại tự, bài minh, bài vị được thờ ở chính tẩm, khẳng định công đức vô cùng to lớn của đức Đinh Tiên Hoàng. Tòa thiêu hương Đền có bài vị thờ 4 vị quan trung thần là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Trong nhà Khải Thánh có tượng thờ Đinh Công Trứ và Phạm Thị, là cha mẹ của vua Đinh Tiên Hoàng.
Đền thờ vua Lê cách đền thờ vua Đinh khoảng 300 m về hướng Bắc, cũng được xây cất trên nền cung điện xưa. Đền thờ vua Lê Đại Hành quy mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Chính cung đền thờ Lê Hoàn, Dương Vân Nga và Lê Long Đĩnh, tòa thiêu hương có bài vị thờ Phạm Cự Lượng, người có công cùng với Dương Vân Nga đưa Lê Hoàn lên ngôi. Năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (Hà Nội), Nhà nước cho xây dựng công trình Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ trong khu vực Cố đô Hoa Lư.
Bên cạnh phần lễ, phần hội có các trò chơi dân gian đặc sắc như đua thuyền, múa gậy, cờ người, xếp chữ, ném còn, thi hát chèo, vật, viết chữ nho... và một số trò chơi hội đặc trưng, tiêu biểu như: cờ lau tập trận là trò diễn dân gian nhằm diễn tả lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh tuổi niên thiếu, trò chơi kéo chữ, thi mâm ngũ quả tiễn vua và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao sôi nổi khác…
Lễ hội Cố đô Hoa Lư có ý nghĩa giáo dục truyền thống, động viên các thế hệ hôm nay và mai sau phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Huy Hoàng