Việc thực hiện những quy định mới này có tác động rất lớn đến công tác thu-chi, sử dụng và quản lý nguồn tài chính công đoàn. Tuy nhiên, trên thực tế đây là một việc làm mới và khó, đòi hỏi các tổ chức công đoàn phải sớm có kế hoạch cụ thể để triển khai. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, LĐLĐ huyện Yên Mô đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp trên địa bàn về quy định mới này.
Ngay sau khi có văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo về việc trích nộp kinh phí công đoàn, LĐLĐ huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công văn đôn đốc các doanh nghiệp nộp kinh phí công đoàn theo quy định; đồng thời LĐLĐ huyện cũng ban hành văn bản hướng dẫn các giám đốc doanh nghiệp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện. Phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn nghiệp vụ tài chính, công tác lập dự toán, quyết toán ngân sách công đoàn.
Để giúp doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng Luật Công đoàn, LĐLĐ huyện đã tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền Luật Công đoàn và Bộ Luật lao động cho đối tượng là giám đốc, kế toán doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh: Theo quy định tại khoản 2, điều 26, Luật Công đoàn "Mọi loại hình doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không phân biệt đã thành lập công đoàn cơ sở hay chưa đều có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn. Mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động".
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mô cho biết: Đối với những doanh nghiệp tư nhân, có công ty đã thành lập công đoàn nhưng việc tổ chức hoạt động kinh doanh khó khăn nên chỉ một thời gian ngắn đã dừng hoạt động, một số trường hợp chủ doanh nghiệp do nhận thức chưa đầy đủ có hiện tượng trốn tránh trách nhiệm, cố tình không thực hiện việc trích nộp kinh phí cho công đoàn hoạt động, LĐLĐ huyện đã tăng cường các hình thức gặp mặt, giao lưu với chủ doanh nghiệp để tuyên truyền cho họ hiểu đây chính là một trong những giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững. Việc trích nộp kinh phí công đoàn tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn chăm lo cho người lao động tốt hơn về sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ hăng hái thi đua lao động sản xuất, chung tay xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững. Từ những buổi gặp mặt, giao lưu đó đã có nhiều chủ doanh nghiệp thay đổi nhận thức, thực hiện nộp kinh phí công đoàn đầy đủ theo quy định.
Một trong những giải pháp quan trọng mà LĐLĐ huyện đã triển khai trong thời gian vừa qua là việc giao chỉ tiêu số lần đi cơ sở cho từng cán bộ chuyên trách, mỗi tuần dành 1 ngày đi cơ sở. Với phương châm "Cán bộ công đoàn sát cánh cùng doanh nghiệp", "mềm dẻo, khôn khéo và cương quyết", các cán bộ của cơ quan LĐLĐ huyện đã chia thành 2 đoàn cùng với các chủ tịch công đoàn cơ sở xã, thị trấn đến 25 doanh nghiệp trên địa bàn huyện để vừa trực tiếp cấp phát tài liệu, vừa tuyên truyền, vận động thuyết phục, giải thích về trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp phải nộp kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật.
Do sâu sát cơ sở nên các cán bộ LĐLĐ huyện đã nắm chắc địa chỉ, loại hình sản xuất, kinh doanh, số lượng lao động, khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của người lao động và các ý kiến đề xuất, kiến nghị của giám đốc các doanh nghiệp…
Ngoài ra, trong năm 2013 ủy ban kiểm tra LĐLĐ huyện cũng đã tổ chức kiểm tra công tác tài chính ở 6 đơn vị có biểu hiện nộp kinh phí công đoàn chưa đầy đủ, truy thu trên 70 triệu đồng kinh phí công đoàn của các đơn vị hành chính sự nghiệp còn nợ đọng năm 2012. Với việc LĐLĐ huyện tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp đến nay nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã trích nộp kinh phí công đoàn đảm bảo kế hoạch đề ra như: Công ty cổ phần cơm cháy Tràng An (xã Yên Hòa), Công ty TNHH một thành viên dịch vụ và xây dựng Toàn Thành…
Đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch LĐLD huyện Yên Mô cho biết: Trong năm 2014, cùng với các giải pháp đã triển khai thời gian vừa qua, LĐLĐ huyện sẽ tăng cường công tác phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội, cơ quan thuế… để có những thông tin và số liệu chính xác về doanh nghiệp và quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội trên địa bàn làm cơ sở đôn đốc thu kinh phí công đoàn.
Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc công tác kiểm tra tài chính công đoàn nhằm đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính công đoàn, tính minh bạch, công khai, dân chủ trong thu chi tài chính công đoàn, qua đó chấn chỉnh, đôn đốc các đơn vị thực hiện chưa tốt.
Bài, ảnh: Đào Duy