Dịch COVID-19; làn sóng sa thải lao động do ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới… là những phép thử đối với thị trường lao động. Đã có hàng chục nghìn lao động của tỉnh ta phải rời khỏi thị trường và mạng lưới an sinh, trong đó hầu hết là lao động phổ thông lứa tuổi trung niên. Điểm yếu của họ là tuổi tác, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường còn hạn chế... nên việc tìm kiếm việc làm mới cho họ trở nên khó khăn hơn. Chị Vũ Thị Hằng và Đặng Thị Linh ở xã Gia Vân (huyện Gia Viễn) năm nay ngoài 40 tuổi.
Trong năm vừa qua, doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì khan hiếm đơn hàng thì những lao động có tuổi như chị Hằng, chị Linh là những lao động đầu tiên bị cắt giảm, dù tay nghề của hai chị đã vững và sức khỏe đang rất dồi dào. "Tôi là lao động phổ thông, làm ở bộ phận là trong một doanh nghiệp may. Vì vững về tay nghề nên năng suất lao động của tôi luôn được đánh giá cao. Mức lương trung bình mỗi tháng cũng được 5 triệu đồng. Phải từ bỏ công việc quen thuộc này đồng nghĩa với nguồn thu chính trong gia đình tôi từ nhiều năm nay đã bị cắt bỏ"- Chị Hằng chia sẻ. Phải nghỉ việc khi tuổi hưu chưa đến, cuộc sống của gia đình người lao động trở nên khó khăn hơn nhiều. Hiện tại, để có thu nhập trang trải cho cuộc sống, chị Hằng và chị Linh xin vào làm nhân viên vệ sinh cho một công ty du lịch ở gần nhà. Công việc vất vả, nhưng mức lương chỉ được hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Gia đình còn quá nhiều việc phải chi tiêu, chị Hằng, chị Linh mong muốn sẽ tìm được việc làm mới với thu nhập cao hơn, song ở lứa tuổi ngoài 40 như hai chị thì lại không thuộc đối tượng tuyển dụng của doanh nghiệp.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, song hàng năm, số lao động độ tuổi trung niên bị sa thải để doanh nghiệp tuyển dụng bổ sung nhằm "trẻ hóa" lực lượng lao động không phải là ít. Ngoài ra, lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo cũng là nhóm đối tượng lao động dễ bị tổn thương trong thị trường lao động hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 khu công nghiệp, 11 cụm công nghiệp và hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động địa phương. Phân khúc chủ yếu của các doanh nghiệp là làm hàng gia công. Vì vậy, đa phần công nhân được tuyển dụng vào làm việc tại các công ty, nhà máy khi tuổi đời còn rất trẻ và được đào tạo ngắn hạn chỉ để đảm nhiệm một công đoạn trong quá trình hoàn thành sản phẩm.
Tìm hiểu tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho thấy, trong các đợt tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp không đòi hỏi ở người lao động kỹ năng, chuyên môn, thậm chí họ sẵn sàng bỏ thời gian đào tạo để người lao động chỉ cần đáp ứng một công đoạn trong dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển lao động không cần yêu cầu, kỹ năng cũng đã phần nào phản ánh thực trạng người lao động luôn trong trạng thái mong manh, nguy cơ mất việc rất cao. Khi thực hiện tái cấu trúc, thay đổi công nghệ để thích ứng hoặc khủng hoảng về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp giảm việc làm, đồng nghĩa với ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của người lao động. Đây là nguyên nhân khiến nhiều lao động lâm vào cảnh chưa đến tuổi hưu nhưng đã hết tuổi nghề. Làn sóng cắt giảm lao động diễn ra từ cuối năm 2022 tới nay là một ví dụ. Cả nước có hàng triệu lao động bị cắt giảm. Trên địa bàn tỉnh ta, có trên 10 nghìn lao động đã bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt, giảm, thậm chí phải rời khỏi thị trường lao động.
Dễ bị sa thải nhưng cánh cửa để quay trở lại thị trường việc làm của nhóm lao động phổ thông ở độ tuổi ngoài 35 cũng trở nên hẹp hơn nếu bản thân họ không có tay nghề, kỹ năng thích ứng phù hợp. Các doanh nghiệp luôn ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ, vì khi sử dụng lực lượng lao động trẻ họ sẽ tiết giảm được nhiều chi phí. Ngoài việc không phải trả lương cao, đóng BHXH thấp lại có thể tận dụng được cường độ lao động cao. Vì thế, dù khan hiếm lao động nhưng các doanh nghiệp lại duy trì một nguyên tắc chung là hạn chế tuyển dụng lao động quá 35 tuổi. Có không ít doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để có thể tiết kiệm chi phí tối đa mà vẫn có đủ nguồn lực để sản xuất. Điều này dẫn đến nhiều lao động trên 35 tuổi đứng trước nguy cơ thất nghiệp, thị trường lao động ngày càng mất cân đối.
Dự báo từ ngành chức năng, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề trên địa bàn tỉnh sẽ tăng lên đáng kể với lộ trình đến năm 2025 sẽ có thêm 14 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong giai đoạn mới này, tỉnh ta sẽ ưu tiên khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường, sử dụng lao động có tay nghề cao. Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải thuộc nhóm ngành nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường, đóng góp ngân sách lớn và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động.
Vì vậy, để đón đầu xu hướng lao động, các cơ sở đào tạo nghề cần chuyển đổi mô hình đào tạo cho phù hợp, theo sát với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các cơ sở đào tạo nghề không thể chỉ đào tạo theo nhu cầu trước mắt vì những ngành nghề đó sẽ trở nên lỗi thời mà cần phải có chiến lược đào tạo theo xu thế trong tương lai. Đặc biệt, để không rơi vào tình trạng bị "vắt chanh bỏ vỏ", đứng bên lề của thị trường lao động khi vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu thì ngay từ bây giờ, bản thân người lao động, nhất là lao động trẻ cần phải thay đổi nhận thức đối với việc học nghề. Chỉ có học nghề, trang bị cho bản thân những kỹ năng cần thiết, người lao động mới có thể có được một vị trí việc làm tốt, ổn định trong tương lai. Đặc biệt, họ có thể dễ dàng thích ứng tìm một công việc mới nếu gặp rủi ro bị mất việc làm.
Đào Hằng
⇒ Kỳ 2: Người lao động cần trang bị trình độ, kỹ năng nghề
⇒ (Kỳ 3) - Cần thêm chính sách để "hút" lao động có tay nghề