Để khuyến khích lao động trẻ học nghề, lao động sau khi thất nghiệp tham gia các lớp học để chuyển đổi nghề nghiệp, từ đó có thể tham gia vào phân khúc việc làm có giá trị tốt hơn, tỉnh ta cần có những chính sách mang tính đột phá về công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn lao động có tay nghề. Bởi lẽ chỉ khi sở hữu đội ngũ lao động có tay nghề mới có thể giúp doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh trên thương trường.
Để chuẩn bị được nguồn lao động có tay nghề, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cần tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp giữa "3 nhà": Nhà quản lý, nhà trường và doanh nghiệp trong công tác dự báo về xu thế của thị trường lao động để có chiến lược và thực hiện chương trình đào tạo nghề phù hợp, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp, chuyển từ mục tiêu "số lượng việc làm" sang "chất lượng việc làm".
Ông Lê Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng Việt Xô cho biết: Liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề là hướng đi mới cho kết quả tích cực. Đặc biệt, để không bị tụt hậu so với nhu cầu lao động của thị trường, hàng năm nhà trường đều tiến hành khảo sát nhu cầu lao động của các doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp bằng phiếu qua các ứng dụng: Google Meet, Zalo… Qua đó điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo và xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng như định hướng mở mã ngành/nghề mới.
Đặc biệt, để tạo sự hợp tác chặt chẽ, các nhà trường đã tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời nắm bắt thêm mong muốn của doanh nghiệp đối với chất lượng nguồn lao động. Theo đó, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, các doanh nghiệp còn đặt yêu cầu cao ở người lao động về các kỹ năng khác như ý thức kỷ luật, tác phong làm việc, đặc biệt là khả năng làm việc nhóm; tinh thần học hỏi… Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, bên cạnh chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghề, nhà trường thiết kế những tiết học phù hợp nhằm trang bị kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên. Nhờ đó, chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ngày càng nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong các hội nghị toàn quốc về thị trường lao động, xu hướng trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất, chuyển dần từ gia công lên những phân khúc có giá trị hơn. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực trở thành yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Để có thể giữ cân đối thị trường lao động, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Muốn thu hút được lao động, nhất là lao động có tay nghề thì doanh nghiệp phải có chính sách hấp dẫn về tiền lương, thu nhập và chế độ khác… Nếu thiếu cơ chế ưu đãi phù hợp thì chính doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động có chất lượng và nếu tuyển dụng được thì cũng khó giữ chân lao động lâu dài.
Ý nghĩa là vậy, tuy nhiên, theo quan sát tại các phiên giao dịch việc làm cho thấy, đa số các doanh nghiệp đến tuyển lao động qua sàn giao dịch việc làm đều chưa có sự phân định rõ ràng về cơ chế lương thưởng, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… giữa lao động có tay nghề và lao động phổ thông ở mức đủ để hấp dẫn được đối tượng lao động có tay nghề cao. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, việc thực hiện các chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp cho người lao động ở một số doanh nghiệp chưa đảm bảo nên người lao động chưa thật sự yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, thường xuyên dịch chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác.
Theo số liệu từ Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 nghìn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong 5 KCN. Những năm qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã rất sát sao trong việc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi của doanh nghiệp đối với người lao động theo đúng quy định của Luật Lao động. Thực tế cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp mở rộng các khoản phúc lợi nhằm thu hút người lao động như hỗ trợ xăng xe, thưởng chuyên cần, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao... Tuy nhiên, những hỗ trợ này cũng mới chỉ ở mức tối thiểu. Đặc biệt, chưa có KCN nào xây dựng được các thiết chế quan trọng như: nhà trẻ cho con công nhân, nhà ở xã hội... như một số địa phương khác.
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Thị trường lao động, môi trường lao động ổn định sẽ tạo nên sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để ổn định được thị trường lao động thì các cơ sở đào tạo nghề cần có nhiều giải pháp đột phá hơn nữa nhằm đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong thời gian tới tỉnh cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng lao động; tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng như: ký túc xá, nhà văn hóa công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân… Cùng với chế độ đãi ngộ hấp dẫn thì được làm việc trong một môi trường có đầy đủ các thiết chế khép kín cũng là một cách để thu hút người lao động, nhất là lao động có tay nghề.
Đào Hằng
⇒ (Kỳ 1)- Chưa đến tuổi hưu đã hết tuổi nghề
⇒ (Kỳ 2) - Người lao động cần trang bị trình độ, kỹ năng nghề