Theo kết quả điều tra của Sở Công thương, đến nay toàn tỉnh có 69 làng nghề được UBND tỉnh công nhận trong đó 37 làng nghề chế biến cói, 11 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, 6 làng nghề mây tre đan; 4 làng nghề thêu ren, 4 làng nghề trồng đào phai; 2 làng nghề mộc, 2 làng bún bánh, 1 làng gốm sứ, 1 làng nghề sản xuất cốt chăn bông, 1 làng nghề nề xây dựng. Đến hết năm 2012, tổng số hộ làm nghề trong các làng nghề là 14.369 hộ với 27.220 lao động tham gia sản xuất tại các làng nghề. Giá trị sản xuất nghề năm 2012 đạt 1.407,7 tỷ đồng. Bà Đỗ Thị Giàn, Trưởng phòng quản lý công nghiệp, Sở Công thương nhận xét: Hiện nay, các làng nghề trong tỉnh đều hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự phát, đối với các làng nghề sản xuất theo thời vụ thì thường chỉ sản xuất vào lúc nông nhàn. Người lao động trong các làng nghề còn thiếu tính chủ động, chưa đầu tư về mặt thời gian, công sức cũng như trí tuệ của mình để làm ra những sản phẩm chất lượng cao.
Các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hầu hết yếu về năng lực sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm cũng chưa được doanh nghiệp chú trọng thay đổi cho phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đang rất eo hẹp về mặt bằng sản xuất và hầu như chưa có sự đầu tư về công nghệ, máy móc, nhà xưởng, hệ thống nước thải, vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động.
Các địa phương cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nghiệp đầu mối, vệ tinh đứng chân ổn định tại địa phương và làng nghề để phát triển, sản xuất, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương nên sản xuất tại làng nghề còn manh mún, phụ thuộc, cầm chừng.
Công tác khôi phục, duy trì và phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất còn chưa được quan tâm đúng mức như vùng nguyên liệu cói, bèo bồng, vùng nguyên liệu chế tác đá mỹ nghệ.
Cũng theo bà Đỗ Thị Giàn: Hiện nay các làng nghề hoạt động đa số chưa có ban quản lý làng nghề, việc theo dõi tình hình hoạt động chủ yếu thông qua thôn, xã. Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động làng nghề gặp khó khăn, đầu mối chính quyền Nhà nước chưa rõ ràng, các làng nghề chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng để phát triển. Địa phương cũng chưa có chính sách thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề.
Việc đảm bảo vệ sinh môi trường, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và việc trang bị bảo hộ lao động của một số làng nghề chưa được quan tâm, vì vậy đã ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và sức khỏe người lao động như làng nghề đá Ninh Vân, làng nghề mộc Ninh Phong, làng nghề bún bánh Yên Ninh, Khánh Dương.
Công tác tuyên truyền về nghề truyền thống và phát triển các làng nghề chưa thực sự được quan tâm, chưa có cơ chế khuyến khích nghệ nhân, thợ giỏi trong các hoạt động của làng nghề. Một số làng nghề có nguy cơ bị mai một nhưng địa phương chưa có kế hoạch phát triển hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp để làng nghề tiếp tục phát triển.
Thiết nghĩ, làng nghề và nghề truyền thống đã đồng hành cùng người nông dân trong công cuộc mưu sinh hàng nghìn năm nay; không chỉ là hoạt động sản xuất hàng hóa đơn thuần, mà còn là tài sản văn hóa vô giá. Nếu được nghiên cứu đầu tư thỏa đáng, tìm được hướng đi thích hợp, các làng nghề không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn bảo tồn phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha xưa.
Hoàng Phúc