Hiện nay, làng có 385/602 hộ làm nghề, chiếm 63,9% số hộ, với tổng số lao động tham gia lên đến 654 người, tập trung chủ yếu ở phố Thượng Đông, Thượng Tây và Trung Lân. Sản lượng sản phẩm hàng năm tới hàng trăm tấn, thậm chí cả nghìn tấn mỗi năm; doanh thu ước đạt hàng chục tỷ đồng...
Sự phát triển ồ ạt, tăng trưởng "quá nóng" của làng nghề đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của hàng nghìn hộ dân trong nhiều năm qua mà chính quyền địa phương vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp.
Người dân nơi đây vô cùng bức xúc trước tình trạng: Ngày nắng nước ở các ao, hồ, cống rãnh tràn lan ra khắp đường làng, ngõ xóm và bốc mùi hôi thối nồng nặc; ngày mưa thì những dòng nước đen kịt, nhầy nhụa ngập vào đến tận nhà người dân.
Nước sản xuất của làng nghề chảy tràn lan vào hệ thống thoát nước chung rồi tù đọng ở các ao, hồ làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình; cùng với đó là mùi hôi thối từ các cống rãnh thoát nước bốc lên làm ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và đời sống của các hộ dân trong làng nghề và khu vực lân cận...
Ông Trần Ngọc Long, Phó Bí thư Đảng bộ thị trấn Yên Ninh cho biết: Làng nghề bún, bánh Yên Ninh được UBND tỉnh công nhận tại Quyết định số 11/QĐ-UBND, ngày 2/1/2007 và từ đó đến nay, đời sống của người dân có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, để một sản phẩm "ra lò", các hộ làm nghề đã phải sử dụng rất nhiều nước với các khâu: Ngâm, xay, nghiền, vắt, nấu...Hệ thống đường ống thu gom nước thải của làng nghề cũng đã được xây dựng từ năm 2003, chạy dọc theo 2 tổ dân phố. Nhưng do sự phát triển của dân cư quá nhanh nên hệ thống này đã xuống cấp gây tình trạng ách tắc, không tiêu kịp trong mùa mưa dẫn đến ngập úng, gây ô nhiễm môi trường.
Mặt khác, quy mô sản xuất tại làng nghề chủ yếu là nhỏ lẻ, tự phát; các hộ gia đình không đủ vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí nguyên vật liệu và không tận dụng được nguồn nước có hiệu quả. Trung bình có đến 600m3 nước thải trong ngày của làng nghề được xả thẳng ra ngoài môi trường, con số này được nhân lên vào các dịp cao điểm như lễ, Tết...
Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Khánh, thị trấn Yên Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý, khắc phục điểm đen về môi trường này, như: Duy trì sinh hoạt thường xuyên của Câu lạc bộ Nông dân bảo vệ môi trường làng nghề; triển khai các văn bản của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; tuyên truyền về vị trí và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường với sức khỏe của cộng đồng dân cư, cũng như chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường; vận động, thuyết phục hộ gia đình làm nghề xây dựng các bể thu gom nước thải (bể lắng đọng, hầm bioga...) tại nhà nhằm xử lý nguồn nước thải, trước khi thải ra hệ thống thu gom chung.
Đặc biệt UBND huyện, thị trấn đã và đang tìm kiếm các nguồn lực xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho làng nghề.
Năm 2013, Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường với kinh phí từ ngân sách Trung ương đã cấp 50 tỷ đồng cho 4 dự án, trong đó có dự án dành cho làng nghề bún bánh Yên Ninh. Huyện Yên Khánh đã đầu tư hơn 200 triệu đồng, xây dựng hệ thống tiêu thoát và xử lý nước thải cho làng nghề.
Mới đây, Trung tâm môi trường Hội Nông dân Việt Nam đã cùng với người dân xây dựng trên 200m kênh tiêu thoát nước thải cho người dân xóm Thượng Tây và Thượng Đông với kinh phí trên 163 triệu đồng và sau hơn 6 tháng thi công đã được đưa vào sử dụng.
Ông Lại Mạnh Đàm, phố Thượng Tây phấn khởi cho biết: Phố Thượng Tây và Thượng Đông là 2 trong 3 phố có đông hộ gia đình làm nghề bún, bánh. Trước đó, nước thải từ các hộ gia đình tiêu thoát chậm, do không có hệ thống kênh thu gom dẫn đến ứ đọng, bốc mùi nồng nặc, nhất là vào mùa hè; khi mưa nước tràn lên mặt đường màu đen kịt.
Kể từ khi có hệ thống kênh này, bước đầu nước thải từ các hộ gia đình đã tiêu thoát khá tốt, đảm bảo được phần nào môi trường cho 2 khu phố Thượng Đông và Thượng Tây...
Tuy nhiên, vẫn còn một đoạn (khoảng 20-30m) qua ao chưa làm được, nên nước thải của một số hộ phía trên đó chưa được thải vào hệ thống kênh thu gom chung. Hơn nữa kênh lại chưa có nắp đậy, việc đi lại của người dân không an toàn và mùi của nước thải trong kênh bay lên ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng... nên rất mong các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các hạng mục trên.
Đinh Chúc