Ngày thơ Việt Nam năm 2018 diễn ra tại Trường THPT Nho Quan C được thầy, trò nhà trường và những người yêu thơ ca của ngành Giáo dục chuẩn bị chu đáo, rộn ràng, diễn ra trong không gian đầm ấm, rực rỡ sắc Xuân. Điều đặc biệt hơn, năm nay là tròn 70 năm bài thơ Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) của Chủ tịch Hồ Chí Minh được sáng tác vào một đêm Rằm tháng Riêng năm Mậu Tý 1948, trên đường Bác trở về sau khi dự Hội nghị BCH Trung ương Đảng mở rộng ở chiến khu Việt Bắc. Bài thơ đã được Trung tâm Văn hóa Doanh nhân và Bộ Giáo dục và Đào tạo xếp đứng đầu 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ XX. Bài thơ được cô giáo Bùi Thanh Vân, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy ngâm lại với giọng đọc đầy cảm xúc, thăng hoa và nhà thơ Thanh Thản, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh với lời bình ấm áp, da diết, khẳng định sức sống trường tồn, vĩnh cửu, mãnh liệt của một bài thơ hay và ý nghĩa.
Tại Ngày thơ, hàng loạt những bài thơ ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi cảnh đẹp, cuộc sống giản dị của đất và người Ninh Bình, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình thầy - trò được các tác giả - là những thầy, cô giáo đang giảng dạy và công tác trong ngành Giáo dục sáng tác và trực tiếp trình bày bằng giọng đọc da diết, tình cảm, được các thầy, cô giáo chắt lọc, kết tinh và thể hiện qua những câu chữ, những dòng thơ mang đầy cảm xúc. Trong số đó phải kể đến: "Hồn xuân" của cô giáo Vũ Thị Thanh Hải, giáo viên Trường THCS Đồng Giao (thành phố Tam Điệp); "Gửi nắng cho em" của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn); "Đất mẹ Hoàng Long", tác giả Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên trường THPT Gia Viễn A; "Về Quảng Lạc", của cô giáo Phạm Trần Tuyết Mai, giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX Yên Khánh… Tất cả được sáng tác bằng sự trải nghiệm, trăn trở, đầy yêu thương với sự nghiệp trồng người; là những lưu luyến, nhớ thương về tuổi thơ nghèo khó với những kỷ niệm thân thương về quê hương, về cha mẹ, nơi chôn nhau cắt rốn và hơn cả là niềm vui, sự phấn chấn khi mùa xuân về mang đến sự tươi mới, đổi thay cho vạn vật, mọi người, cùng hướng đến một cuộc sống hạnh phúc, yên vui…
Cô giáo Dương Thị Anh Thư, CLB Văn học nghệ thuật trường THPT Nho Quan C chia sẻ: Để đẩy mạnh phong trào học tập môn văn học trong nhà trường, trong đó có tình yêu với thơ ca, nhà trường đã thành lập CLB Văn học nghệ thuật của trường. Hàng năm tích cực phát động các cuộc thi sáng tác thơ văn, truyện ngắn nhân các dịp kỷ niệm, ngày lễ của trường, của ngành như ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, ngày phụ nữ Việt Nam 20-10, ngày QĐND Việt Nam 22-12… Đồng thời, trong các giờ ngoại khóa, các cuộc họp hội đồng sư phạm, nhà trường đều tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các thầy, cô giáo và các em học sinh để mọi người cùng tham gia hưởng ứng. Cùng với đó, trường cũng thành lập ban chấm thi, tuyển chọn những bài thơ hay, đặc sắc, ấn tượng để đọc trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của nhà trường và tổ chức trao giải là những phần quà phù hợp, mang ý nghĩa như quyển sổ, cây bút, tập sách truyện…, góp phần động viên, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của những người yêu thơ, sáng tác thơ.
Tại Ngày thơ, không khó để nhận ra có những "nhà thơ" - là những giáo viên dạy văn học hoặc các bộ môn khoa học xã hội trong các nhà trường đã có nhiều năm tham gia sáng tác, bình thơ, ngâm thơ và hiện nay trong họ vẫn nguyên vẹn tình yêu với thơ ca, tiếp tục như những "con tằm nhả tơ" miệt mài sáng tác những bài thơ hay, ý nghĩa; họ trở nên gắn bó, quen thuộc với các thế hệ học trò và những đồng nghiệp trong ngành Giáo dục. Trong đó phải kể đến cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh, Trường THPT Kim Sơn A (Kim Sơn); Diệu Thoa, Trường Tiểu học Đông Thành (thành phố Ninh Bình); Thanh Vân, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình); Nguyễn Thị Hồng Thảo, Trường THPT Bình Minh (Kim Sơn)…
Cũng tại Ngày thơ, những nhà thơ nổi tiếng, có tên tuổi của Ninh Bình, nhiều thầy, cô giáo là những hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh như nhà thơ Bình Nguyên, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; nhà thơ Thanh Thản, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; cô giáo - nhà thơ Cầm Thị Đào, Bùi Thị Nhài, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh… đã có những tâm sự, chia sẻ, giao lưu với các thầy, cô giáo và các em học sinh yêu thích bộ môn thơ ca về tình yêu, sự hiểu biết và cả những kỷ niệm, trải nghiệm, những cảm xúc, trăn trở để họ yêu thích và miệt mài sáng tác nên những bài thơ, câu thơ hay về tình yêu quê hương, đất nước, về tình yêu đôi lứa, mẹ cha, tình đồng chí, đồng đội, tình thầy trò, đồng nghiệp… được giới thiệu, ghi nhận, vinh danh và trao giải thưởng trong các cuộc thi của tỉnh, trong nước thời gian qua.
Theo Nhà giáo Phạm Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc tổ chức Ngày thơ hàng năm nhằm hưởng ứng ngày hội tôn vinh thơ ca, được coi là một hoạt động văn hóa tốt đẹp trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của con người Việt Nam. Trong Ngày thơ đã có trên 30 bài thơ của các thầy, cô giáo, học sinh và các đại biểu tham dự được ngâm, đọc, bình, với nhiều tâm trạng, nỗi niềm, là minh chứng cho thấy, vẫn còn rất nhiều người yêu thơ, tâm huyết với phong trào thơ ca. Đây cũng chính là dịp để những người làm thơ, yêu thơ được sống trong không khí đúng nghĩa của một Ngày thơ với hoàn toàn chỉ có "thơ và nhạc", để cùng nhau chia sẻ, giao lưu, bày tỏ tình yêu, khát vọng, niềm vui, cùng hướng đến một cuộc sống chân-thiện-mỹ. Đồng thời Ngày thơ cũng tạo động lực, điều kiện để các cán bộ, thầy - cô giáo và học sinh trong ngành tiếp tục lan tỏa tình yêu thơ ca, nỗ lực tìm hiểu, sáng tác để có những bài thơ hay, ý nghĩa, tạo hứng khởi và niềm yêu thích cho cả người dạy và người học, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Ngữ văn và các môn học xã hội trong các nhà trường học, cấp học.
Mỹ Hạnh