Về đất chèo xã Khánh Trung những ngày giáp Tết bắt gặp khắp các nẻo đường liên thôn, liên xã, làn điệu chèo vang vọng, trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần người dân nơi đây. Bác Phạm Ngọc Điến, Bí thư Chi bộ thôn 8, xã Khánh Trung cho biết: Không ai biết chính xác những làn điệu chèo có từ bao giờ, nhưng mỗi khi tiếng trống chèo vang lên, người dân nơi đây lại say sưa cất tiếng hát. Yêu chèo đến mức, dù chẳng có bổng lộc, thù lao, nhưng những nghệ sỹ nông dân trong thôn 8 vẫn bỏ công, bỏ của chỉ với mong muốn giản đơn là được bảo tồn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của miền Bắc Bộ cũng như mang tiếng hát của mình làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân trong thôn. Tiếng hát người nông dân trong CLB chèo thôn 8 góp sức nhỏ bé của mình vào việc tuyên truyền nhiệm vụ chính trị - xã hội của xã trong giai đoạn mới như: Xây dựng NTM, dồn điền, đổi thửa, giữ gìn tình đoàn kết trong xóm, làng, xây dựng gia đình văn hóa... Nhiều năm qua, tất cả 115 hộ dân thôn 8 luôn gương mẫu trong các phong trào thi đua, giữ vững "thôn văn hóa".
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Khánh Trung là xã có truyền thống về xây dựng đời sống văn hóa. Từ năm 1969 xã đã nổi lên với 5 phong trào văn hóa và được đón cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm. Hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Khánh Trung đang nỗ lực phát huy truyền thống ấy. Để phong trào có sức lan tỏa tới toàn dân, xã đã ra Nghị quyết chuyên đề, sau đó thành lập thí điểm CLB văn hóa, văn nghệ ở một thôn và tạo sự cuốn hút với người dân bằng việc nhân dân tự đóng góp tiền của, công sức để mua trang phục, sắm các dụng cụ phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Từ một thôn, sau đó tiếp tục nhân rộng ra nhiều thôn. Đồng thời, xã phân công cán bộ các hội, đoàn thể phụ trách hoạt động văn hóa của các thôn sát sao; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, TDTT giữa các cụm thôn. Đến nay, 21/21 thôn đã thành lập được CLB chèo; 100% thôn thành lập được đội bóng chuyền hơi; 100% thôn hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc.
Theo đồng chí Phạm Đăng Khoa, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Yên Khánh, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trong huyện đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi với những nội dung thiết thực, mang ý nghĩa xã hội rộng lớn. Có được kết quả đó là do công tác tuyên truyền được quan tâm chỉ đạo, thực hiện với nhiều hình thức để giới thiệu các mô hình thôn, xóm, phố văn hóa, nội dung quy định tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các đoàn thể cũng tích cực đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"; "Thanh niên lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước"; "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" thực hiện có hiệu quả.
Nội dung phong trào đã được nhân dân hưởng ứng và tích cực thực hiện. Lễ cưới giữ được nét lịch sự, văn minh, hình thức tiệc trà trong đám cưới đã được áp dụng phổ biến ở các xã, thị trấn. Đối với việc tang, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng gia đình thực hiện những quy định trong quy ước về việc tang ở cơ sở, tổ chức trang trọng, gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và hoàn cảnh, điều kiện của các gia đình ở nông thôn. 19/19 xã, thị trấn đã quy hoạch được nghĩa trang và được UBND huyện phê duyệt. Các lễ hội được tổ chức vào các dịp theo định kỳ ở các đình, chùa, đền đều được tổ chức đúng quy định, đảm bảo thời gian, hoạt động lễ hội ở các di tích diễn ra lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, hạn chế được tệ nạn mê tín dị đoan.
Toàn huyện có trên 95% đường giao thông nông thôn được cứng hóa, nhiều thôn, xóm đã có điện thắp sáng vào ban đêm; có 95% số hộ được dùng nước sạch và công trình phụ hợp vệ sinh; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, trong đó có 19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 75% số người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, xóm văn hóa được đẩy mạnh. Năm 2018, toàn huyện có 36.169/39.273 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt 92%; có 215/268 đơn vị thôn, xóm, phố, đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, đạt 80,2%; có 84,2% cơ quan, đơn vị văn hóa; có 18 xã đạt danh hiệu "Xã văn hóa nông thôn mới" và thị trấn Yên Ninh đạt "văn minh đô thị". Đến nay có 265/268 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa, đạt 98,88%; 19/19 xã, thị trấn có nhà văn hóa xã đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi khắp các thôn, xóm, phố, số người tham gia ngày càng đông ở mọi lứa tuổi, các hoạt động được tổ chức thường xuyên, 100% xã, thị trấn có câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, xuất hiện nhiều điển hình về gia đình thể thao, gia đình văn hóa văn nghệ. Đến nay, toàn huyện có 249 câu lạc bộ văn nghệ, trong đó có 69 câu lạc bộ chèo hoạt động thường xuyên, điển hình như ở xã Khánh Cường, Khánh Lợi, Khánh Trung, Khánh Mậu, có 200 câu lạc bộ thể dục thể thao, có 33% dân số tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Bài, ảnh: Hồng Vân