Nhà giáo Trịnh Duy Nghĩa, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục cho biết: Toàn ngành Giáo dục hiện có 16.038 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ). Công đoàn Giáo dục trực tiếp quản lý 29 công đoàn cơ sở, gồm 1.998 đoàn viên công đoàn, với 1.410 nữ nhà giáo, chiếm tỷ lệ 71%.
Hiện nay, đội ngũ CBNGNLĐ cơ bản đạt yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp và chuẩn cán bộ quản lý theo quy định; luôn thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành; yên tâm công tác, tận tụy với công việc, có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp, hoàn thành công việc được giao, góp phần đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nổi bật trong đó là phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" gắn với phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" và cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo", cuộc vận động "Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm" diễn ra sôi nổi, rộng khắp, với nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý.
Nhiều giáo viên đã đầu tư chuyên môn, sáng tạo, ứng dụng CNTT, khoa học công nghệ vào giảng dạy, tham dự thi và đạt danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi" các cấp; tạo động lực cho giáo viên tích cực tham gia vào quá trình đổi mới như: Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách quản lý, giáo dục học sinh, đổi mới đánh giá kết quả giáo dục.
Đồng thời, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" còn thể hiện trong quá trình nghiên cứu khoa học và đúc rút sáng kiến kinh nghiệm, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của CBNGNLĐ, khơi dậy niềm đam mê của các thầy, cô giáo.
Trong 5 năm qua, toàn ngành có 30.386 sáng kiến cấp cơ sở; trong đó, có 3.369 sáng kiến được đánh giá, công nhận cấp Sở; 157 sáng kiến được Hội đồng khoa học cấp tỉnh thẩm định, công nhận; 2 công trình đạt Giải thưởng khoa học và công nghệ Hoa Lư lần thứ II; 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được Hội đồng khoa học của tỉnh thẩm định, đánh giá xuất sắc; 1 đề tài khoa học được Hội đồng khoa học cấp Bộ GD&ĐT công nhận; 35 đoàn viên được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Đối với phong trào "Thi đua học tập nâng cao trình độ, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển", Công đoàn ngành phối hợp với Sở GD&ĐT triển khai chương trình "Nâng cao trình độ, năng lực của nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam".
Theo đó, tất cả các đơn vị đều xây dựng kế hoạch hoạt động trên cơ sở phối hợp giữa tổ chức công đoàn cùng chuyên môn đồng cấp trong giới thiệu, đề xuất cho các nhà giáo tham gia các lớp học nâng cao, bồi dưỡng chuyên môn, các lớp sau đại học, phù hợp với chủ trương của ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam.
Hiện toàn ngành có 3 tiến sỹ, 528 thạc sỹ. 100% giáo viên đạt chuẩn. Tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo ở từng cấp học là: Mầm non đạt 97,3%; Tiểu học đạt 98,4%; THCS đạt 95,2% và THPT đạt 25%. 5 năm qua, trên 600 công chức, viên chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 4.460 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị. 100% công chức, viên chức sử dụng thành thạo CNTT trong giảng dạy và quản lý. Tổng số lượt nhà giáo tham gia thi tay nghề giỏi, giáo viên giỏi các cấp là 8.829 người. Tổng số nhà giáo đạt giáo viên giỏi các cấp là 7.214 người.
Toàn ngành cũng tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" do Bộ GD&ĐT phát động, coi đó là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo môi trường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc cho học sinh. Đồng thời, qua thực hiện phong trào, đã xây dựng tốt nền nếp học tập, ý thức tự học, tạo hứng thú, đam mê, sáng tạo trong học tập cho học sinh.
Phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNVCLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động được ngành Giáo dục cụ thể hóa thành phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà". Thông qua phong trào, nữ CBNGNLĐ được rèn luyện, bồi dưỡng và trưởng thành về mọi mặt, phát huy được tiềm năng, trí tuệ để vừa thực hiện tốt vai trò ngoài xã hội, vừa làm tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, người quản lý gia đình, xây dựng người phụ nữ ngành Giáo dục theo 5 tiêu chí: "Yêu nước; có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt công tác được giao; có sức khỏe; có lối sống văn hóa và tấm lòng nhân hậu; quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng", giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, giản dị và thanh danh của nhà giáo.
Phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" được các cấp công đoàn triển khai với những biện pháp cụ thể, thiết thực, tạo cơ hội cho chị em khẳng định mình trong hoạt động xã hội và gia đình. Đến nay, toàn ngành có 1.001 là nữ cán bộ quản lý, chiếm 68,9%; 956 chị là chủ tịch và phó chủ tịch CĐCS, chiếm 80%; 1 chị là lãnh đạo Sở GD&ĐT; có 15/41 chị là trưởng, phó các phòng, ban thuộc Sở; 12 chị là lãnh đạo các phòng GD&ĐT; 6 chị là hiệu trưởng các trường THPT...
Trong 5 năm qua, từ phong trào thi đua "Hai tốt", phong trào "đổi mới sáng tạo trong dạy và học", phong trào "Giỏi việc trường, đảm việc nhà"..., đã xuất hiện nhiều điển hình nữ tiên tiến trên lĩnh vực giảng dạy, quản lý, bồi dưỡng học sinh giỏi. Tính riêng khối trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục đã có 1.500 cá nhân xuất sắc được các cấp tặng Bằng khen.
Trong đó, có 98 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 512 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen; có 64 CSTĐ cấp tỉnh; 1.523 CSTĐ cấp cơ sở. Trong đó nữ nhà giáo chiếm 68%. Đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo cũng phát huy năng lực, cống hiến có hiệu quả cho sự nghiệp GD&ĐT. Hàng năm, có trên 96% nữ nhà giáo và lao động nữ đạt danh hiệu "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Có trên 96% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu "Gia đình nhà giáo văn hóa"...
Mỹ Hạnh