Hưởng ứng cuộc vận động, công đoàn cơ sở các nhà trường đã chuyển tiêu đề cuộc vận động thành các khẩu hiệu hành động như "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" và trang trí trang trọng trong khuôn viên nhà trường và trong phòng họp hoặc các vị trí thích hợp để nhắc nhở nhà giáo và các học sinh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về truyền thống đạo đức nhà giáo, thi viết về tấm gương tiêu biểu "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", góp phần làm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo, đặc biệt là việc nêu gương về phẩm chất nhà giáo nhằm tạo một môi trường sư phạm thực sự mô phạm, chuẩn mực để học sinh noi theo.
Thầy giáo Đỗ Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Kiệm (Kim Sơn) cho biết: Thực hiện cuộc vận động, việc nêu gương của người thầy trong nhà trường là việc làm hết sức quan trọng. Nhà trường đã quán triệt trong Chi bộ, hội đồng sư phạm thực hiện nghiêm túc giờ đến lớp, tác phong, quần áo phù hợp với môi trường sư phạm; trước kia chỉ có giáo viên chủ nhiệm đến lớp trước thì hiện nay nhà trường tạo nề nếp cho tất cả các giáo viên phải đến trường trước giờ vào lớp 15 phút; yêu cầu giáo viên trong giờ đứng lớp không được sử dụng điện thoại di động để nâng cao chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, mỗi thầy, cô giáo phải là tấm gương trong ứng xử giao tiếp, tiết kiệm điện, nước và các vật dụng thiết yếu trong công việc. Giáo viên trong trường phải là chủ thể trong việc tạo môi trường sư phạm thân thiện, gần gũi với học sinh, thường xuyên đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa, tổ chức các trò chơi dân gian, tạo sân chơi bổ ích, thiết thực, hứng thú cho học sinh mỗi khi đến trường.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Minh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh cho biết: Nét mới trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện cuộc vận động của ngành là tạo điều kiện tốt nhất để đội ngũ nhà giáo trau dồi đạo đức, nâng cao ý thức tự học và sáng tạo trong quản lý và giảng dạy; lấy kết quả thực hiện cuộc vận động làm tiêu chí để xếp loại thi đua cuối mỗi năm học. Cuộc vận động đã góp phần tích cực cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo những năm qua phát triển ổn định, bền vững, khơi dậy ý thức khắc phục khó khăn của nhà giáo trong việc tự học, tự bồi dưỡng, từng bước nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. 100% cán bộ, giáo viên tham gia nghiêm túc các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, về các cuộc vận động và phong trào thi đua do Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đến nay, toàn ngành có 99,9% nhà giáo đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó trên chuẩn đạt tỷ lệ 82,06%; 100% giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt trình độ Tin học A, B. Toàn ngành có trên 370 thạc sĩ. Toàn tỉnh hiện có 38 Nhà giáo ưu tú.
Sự nỗ lực rèn luyện để trở thành tấm gương sáng của nhà giáo được thể hiện rõ nét trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục. Cán bộ, giáo viên toàn ngành không đi theo lối mòn, thụ động, dập khuôn trong quản lý, theo bài giảng đã dạy những năm trước mà luôn tìm tòi đổi mới cách dạy, phương tiện dạy học, sáng tạo trong vận dụng tri thức và công nghệ mới vào quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học; tích cực dự giờ đồng nghiệp để trao đổi, cùng nhau tìm ra cách khai thác kiến thức và tổ chức bài giảng khoa học, dễ hiểu có sức lôi cuốn học sinh để giờ dạy hiệu quả. 100% các giờ chuyên đề, giờ hội giảng, giờ kiểm tra, thanh tra toàn diện được giáo viên ứng dụng CNTT.
Những tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo của đội ngũ thầy giáo đã góp phần duy trì nề nếp, kỷ cương trong các đơn vị giáo dục, chất lượng giáo dục của các đơn vị nói riêng và toàn ngành nói chung được duy trì. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các cấp học của Ninh Bình từng bước được khẳng định trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mầm non, tỷ lệ học sinh học lực yếu ở tất cả các cấp học đều giảm so với những năm học trước; tỷ lệ học sinh học lực khá, giỏi chuyển biến tăng đáng kể. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2015-2016 đạt 97,41%. Tỷ lệ học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia đạt 80,65% và đạt thứ hạng cao trong cuộc thi sáng tạo KHKT trong học sinh, các cuộc thi Olympic tiếng Anh, Toán qua mạng Internet… Từ các phong trào thi đua, cuộc vận động trong ngành giáo dục, đã có nhiều tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen, Giấy khen, Cờ thi đua của Trung ương và địa phương, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các nhà giáo, tập thể sư phạm các nhà trường trong sự nghiệp "trồng người".
Tiến Minh