Việc tuyên truyền, quán triệt nội dung của Đề án được tổ chức dưới nhiều hình thức: tập huấn, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông..., kết quả, toàn tỉnh đã tổ chức 7.946 cuộc truyền thông, sinh hoạt CLB, nói chuyện chuyên đề, 1 buổi hội thảo, 14 diễn đàn... cho 646.342 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ... Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 3.663 buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, 11 diễn đàn "Tự hào tôi là phụ nữ Việt Nam", "Bình đẳng giới trong gia đình", tổ chức hội thảo "Phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước", đặc biệt, đã tổ chức đợt cao điểm tuyên truyền ở 100% chi hội, tổ phụ nữ dịp 8-3-2012 thu hút 151.680 hội viên, phụ nữ tham dự. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia cuộc thi viết "Những tấm gương phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" do TW Hội phát động, đã có 2.035 bài viết tham gia dự thi. Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng chuẩn mực đạo đức cán bộ Hội LHPN tỉnh Ninh Bình: Trung thành, vị tha, tận tụy, thủy chung. Đã có 100% cán bộ Hội các cấp, 96,6% hội viên, phụ nữ đăng ký rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang". Tuyên truyền các nội dung Đề án gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TW Hội LHPN Việt Nam (khóa XI); Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"...
Qua thực hiện các nội dung của Đề án, phụ nữ được quan tâm, khuyến khích tạo điều kiện nhiều hơn trong lao động, sản xuất, học tập nâng cao kiến thức về mọi mặt trong tiếp cận với KHKT, trong tìm hiểu nắm bắt về chủ trương, chính sách, pháp luật có liên quan đến phụ nữ, góp phần tạo điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Mặt khác, hoạt động của Đề án đã thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng trong việc giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, sự cần thiết phải tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện các phẩm chất đạo đức trong giai đoạn cách mạng mới: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Đề án, cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, đó là: Công tác tuyên truyền của Đề án mới tập trung vào đối tượng hội viên, phụ nữ ở nông thôn và nữ sinh trong trường học là chủ yếu. Công tác tuyên truyền ở một số ngành, đoàn thể còn hạn chế; việc xây dựng mô hình tuyên truyền trong công nhân lao động còn khó khăn. Kinh phí thực hiện Đề án còn ít và hầu hết cấp cơ sở không có kinh phí thực hiện, do đó Ban chỉ đạo gặp nhiều khó khăn trong điều hành và tổ chức các hoạt động của Đề án. Một số ngành chủ trì tiểu Đề án chưa thực sự chủ động vào cuộc triển khai tổ chức thực hiện Đề án.
Để việc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đạt hiệu quả cao, thiết nghĩ Đề án cần tiếp tục được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Các địa phương, đơn vị cần quan tâm bố trí ngân sách hợp lý để triển khai thực hiện Đề án. Tổ chức tốt việc tham quan mô hình, học tập, chia sẻ kinh nghiệm hay của các địa phương, đơn vị thực hiện điểm. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho báo cáo viên các cấp về các nội dung của Đề án. Hỗ trợ tài liệu truyền thông và đĩa CD cho các nhóm đối tượng phụ nữ mà Đề án hướng tới.
Đỗ Bằng