Một mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng nữa sắp tới. Hiện, vấn đề hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 đang được rất nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Việc chọn được ngành, nghề phù hợp, có hướng đi đúng đắn sẽ giúp các em phát huy được năng lực, sở trường và tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt sau này. Từ đó, đòi hỏi công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cần thực hiện tốt ngay từ trong các nhà trường.
Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình), công tác hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện từ rất sớm. Cô giáo Vũ Thị Bích, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết: Ngay từ khi vào lớp 10, học sinh được phân loại và đăng ký học theo các khối thi, tùy vào năng lực, sở trường, trình độ của mình. Trong quá trình học, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng, đến lớp 12 sẽ ổn định để các em yên tâm học tập, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Cùng với đó, đến giữa năm học lớp 12, qua các lần thi thử, nhà trường cũng phân loại đầu yếu và đầu mạnh để có sự hỗ trợ, động viên kịp thời. Theo đó, đối với những học sinh học quá yếu, nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT, được phân loại học bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức cơ bản để không trượt tốt nghiệp.
Đối với những học sinh khá, giỏi, có động cơ phấn đấu, được khuyến khích đăng ký học lớp chất lượng cao, để bồi dưỡng, hướng dẫn, động viên nhằm đạt kết quả cao nhất, được xét tuyển vào những trường đại học uy tín, được Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh tuyên dương, khen thưởng...
Năm học 2020-2021, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có 495 học sinh lớp 12, với 12 lớp. Hàng năm, để hạn chế tình trạng học sinh chọn nghề theo sở thích cá nhân hoặc theo sự sắp đặt của cha mẹ, không phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân, nhà trường luôn quan tâm, coi trọng công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Theo đó, trường chủ động xây dựng kế hoạch hướng dẫn về công tác hướng nghiệp, đảm bảo các tiết học giáo dục hướng nghiệp trong chương trình chính khóa theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đồng thời, tích hợp một số tiết học ngoài giờ lên lớp, chương trình ngoại khóa, hoạt động tư vấn tuyển sinh với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh đến trực tiếp tư vấn, tuyên truyền...
Cùng với đó, Trường cũng lồng ghép tuyên truyền về nội dung này trong các hoạt động tập thể, sinh hoạt đầu tuần, các cuộc họp phụ huynh để học sinh và các bậc cha mẹ hiểu rõ, đầy đủ hơn về tầm quan trọng của công tác hướng nghiệp...
Một tiết tư vấn nghề nghiệp được cô và trò lớp 12A2 hoạt động khá sôi nổi trong buổi sinh hoạt thứ 7. Những câu hỏi của học sinh đặt ra, về chọn trường hay chọn nghề, chọn theo sở thích hay yêu cầu của bố mẹ, những ngành, nghề thị trường đang cần hiện nay... được học sinh đặt vấn đề và thể hiện quan điểm của mình, với mong muốn được cô giáo tư vấn, cho lời khuyên phù hợp.
Em Phạm Thị Ngọc Phương, học sinh lớp 12A2 cho biết: Em phân vân, lo lắng với việc chọn trường, chọn ngành theo học sau khi tốt nghiệp THPT. Do đó, ngoài lời khuyên của bố mẹ, em còn lắng nghe sự tư vấn, phân tích của cô giáo chủ nhiệm về lực học, cá tính, phong cách của mình có đáp ứng được với ngành học đó hay không, từ đó nỗ lực thi đỗ tốt nghiệp THPT và lựa chọn cho mình ngành học phù hợp và tốt nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2, thành viên Ban tư vấn tuyển sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, việc cung cấp kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho các em có vai trò rất quan trọng, giúp các em có thể chọn cho mình 1 trường học, 1 ngành nghề phù hợp để theo học sau khi tốt nghiệp.
Được giao nhiệm vụ là thành viên Ban tư vấn tuyển sinh, cô giáo Hằng cho biết, cùng với được dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh do Sở GD&ĐT tổ chức, mỗi cán bộ, giáo viên còn thường xuyên theo dõi, tự tìm hiểu về những điểm mới trong công tác tuyển sinh ở mỗi năm, để có thể tư vấn sát, chuẩn cho các em.
Đặc biệt, là giáo viên chủ nhiệm, có thời gian 3 năm gắn bó cùng các em, mỗi giáo viên cơ bản nắm được điểm mạnh, yếu, nhu cầu, sở thích, cá tính của học sinh để tư vấn, trở thành kênh tham khảo quan trọng cho các em quyết định ngành, nghề nghiệp tương lai cho mình.
Năm học 2020-2021, Trường THPT Dân tộc nội trú Ninh Bình có 3 lớp, với 144 học sinh lớp 12. Với đặc thù 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, để giúp các em lựa chọn được ngành, nghề phù hợp với năng lực bản thân, nhu cầu lao động của xã hội và điều kiện kinh tế gia đình, nhà trường chú trọng tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh với nhiều hình thức.
Cô giáo Bùi Thị Chuyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để làm tốt công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh, giải pháp quan trọng được nhà trường thực hiện là chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, bộ môn lồng ghép vào trong nội dung bài học, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi học nhóm... để hướng dẫn, tư vấn cụ thể, sát thực cho các em.
Đồng thời, nhà trường phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng nghề, các trường chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi nói chuyện, tư vấn hướng nghiệp cho các em. Đặc biệt, Trường còn thành lập tổ tư vấn hướng nghiệp, giúp học sinh khối 12 đăng ký, lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân; cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc của các em về ngành nghề, công việc mình định lựa chọn...
Đến nay, hầu hết học sinh khối 12 của trường đã lựa chọn được ngành nghề đăng ký xét tuyển, theo học sau khi tốt nghiệp THPT. Trong đó, có khoảng 40% học sinh có nguyện vọng theo học các trường đại học, còn lại lựa chọn học các trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo đại diện Sở GD&ĐT, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, dự kiến thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học từ ngày 24/4 đến ngày 10/5. Để làm tốt công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THPT, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THPT thực hiện nghiêm nội dung giáo dục hướng nghiệp theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đồng thời, quan tâm, chú trọng tổ chức giáo dục hướng nghiệp theo các hình thức: Hướng nghiệp qua dạy học các môn văn hóa; môn công nghệ, dạy nghề phổ thông, các tiết sinh hoạt đầu giờ hoặc cuối tuần và tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp từ các hoạt động ngoại khóa...
Qua đó, giúp học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp chính xác, góp phần tạo ra một lực lượng lao động trong tương lai có định hướng rõ ràng, có năng lực nghề nghiệp tốt, khắc phục dần tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay.
Bài, ảnh: Hạnh Chi