Tồn tại nhiều bất cập
Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1999, qua một thời gian đi vào hoạt động, chợ Rồng Ninh Bình đã bộc lộ những vấn đề bất cập, chủ yếu là khâu thiết kế. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty thiết kế xây dựng Nhật Minh thì chợ Rồng được thiết kế theo mô hình cũ, nặng tính truyền thống. Mặc dù trông bề thế, khang trang nhưng thực tế thì hiệu quả sử dụng không cao. Xung quanh chợ trung tâm được xây dựng theo kiểu chung cư với 42 căn hộ 2 tầng khép kín, tầng 1 của các chung cư này để kinh doanh. Đã là chung cư thì người ta có quyền lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên; có quyền sinh đẻ và lo hậu sự khi về già. Chính vì vậy từ năm 1999 đến nay, có nhiều chuyện hy hữu xảy ra, trong đó có việc một thương nhân dứt khoát đòi được tổ chức đám cưới trong chợ.
Anh Tạ Thanh Trường, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh cho biết: Trong nhiều năm qua, mặc dù Ban quản lý chợ Rồng và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác phòng cháy khu vực chợ Rồng; đề cao cảnh giác với các nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ. Nhưng do khâu thiết kế đã lạc hậu làm cho công tác phòng cháy, chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn...
Theo anh Cao Thế Liệu, quê ở xã Ninh Thắng (Hoa Lư) đã từng học tập và công tác tại thành phố Kharkov, Ucraina thì chợ Rồng Ninh Bình xây dựng trên một diện tích quá hẹp. Hầu như chỉ với mục đích để che mưa, che nắng chứ chưa tính đến xu thế phát triển của xã hội, khi mà các phương tiện giao thông, nhất là xe ô tô ngày càng nhiều.
Khu vực hàng nông sản, thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Nom, Giám đốc chợ Hạ Long (Quảng Ninh) cũng có chung nhận xét như vậy khi về thăm chợ Rồng. Vì không có bãi đỗ xe nên đoàn cán bộ, nhân viên chợ Hạ Long phải gửi xe ở rất xa, không dám dừng ở trước cổng chợ Rồng vì lo cảnh sát giao thông... phạt. Ông Nom cũng trao đổi thêm: Với khuôn viên chật hẹp như vậy, sao không xây dựng tầng hầm để làm bãi đỗ xe...?
Khu A thì đã vậy, khu B, C chợ Rồng thì còn chắp vá hơn nhiều. Anh Nguyễn Hồng Hà ở số nhà 12, đường 2, phố Vạn Phúc, phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình cho biết: Mấy năm gần đây, thành phố Ninh Bình phát triển tương đối nhanh. Cảnh quan đô thị ngày càng được đổi mới. Nhiều anh em, bạn bè về thăm Ninh Bình, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên, hàng ngày đi làm qua đường Hoàng Diệu, nhìn bên kia sông Vân, tôi thấy còn có những hình ảnh chưa đẹp mắt và nghịch lý.
Có nên thực hiện cổ phần hóa?
Hiện nay, chợ Rồng Ninh Bình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, dưới sự quản lý của thành phố Ninh Bình. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn? Nên hay không nên thực hiện cổ phần hóa...
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh bình cho biết: Việc cổ phần hóa chợ Rồng sẽ có lợi cho cả Nhà nước và người lao động. Đối với Nhà nước, vai trò quản lý của Nhà nước có những thuận lợi hơn; thúc đẩy tăng thu ngân sách; cơ sở hạ tầng, mỹ quan đô thị, an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường khu vực chợ Rồng được đảm bảo; Ban quản lý chợ Rồng tự chịu trách nhiệm hơn đối với mọi hoạt động của mình, tự chịu trách nhiệm hơn trước Nhà nước và xã hội. Đối với người lao động, việc cổ phần hóa sẽ tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống và tạo môi trường thuận lợi hơn để các thương nhân tích cực tham gia hoạt động kinh doanh, khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh khác.
Trên thực tế, một số trung tâm thương mại của các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An... đã chuyển đổi mô hình quản lý. Ông Đặng Đình Kiên, Giám đốc Công ty dịch vụ kinh doanh và quản lý chợ Rồng Nam Định cho biết: "Sau khi chợ Rồng Nam Định bị hỏa hoạn năm 1991, do vốn ngân sách Nhà nước còn khó khăn nên chợ Rồng Nam Định phải chuyển đổi mô hình quản lý, thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để xây dựng lại chợ. Chợ Rồng Nam Định nhanh chóng hòa nhịp với quy luật của cơ chế thị trường nên khi đi vào hoạt động đã vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và kinh doanh ngày càng hiệu quả. Từ kết quả trên, những năm gần đây,UBND thành phố đã tin tưởng giao cho Công ty tiếp tục quản lý thêm 3 chợ trên địa bàn thành phố, đó là chợ Mỹ Tho, chợ Phù Long và chợ Phạm Ngũ Lão. Với mô hình kinh doanh tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình, hiệu quả kinh doanh của Công ty ngày càng ổn định, năm 2011 doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng. Dựa trên doanh thu, Công ty tiếp tục đầu tư, nâng cấp, sửa chữa và xây mới một số hạng mục công trình khác... Qua trao đổi, chúng tôi được biết cơ chế hoạt động của chợ Rồng Ninh Bình chưa hoàn toàn chủ động. Cũng cần cân nhắc để chuyển đổi mô hình quản lý cho phù hợp và hiệu quả hơn".
Chợ Rồng Ninh Bình được khởi công xây dựng từ năm 1996, đến năm 1999 mới đi vào hoạt động. Kinh phí xây dựng chợ Rồng chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Năm 2011, số dư nợ còn trên 20 tỷ đồng. Mặc dù kinh doanh khá hiệu quả, năm 2011 doanh thu đạt trên 3,6 tỷ đồng nhưng do phải hoạch toán và trả lãi mỗi năm khoảng 2,2 tỷ đồng nên kinh phí còn lại chỉ đủ để mua sắm, thay thế các trang thiết bị phục vụ hoạt động tối thiểu của đơn vị. Không đủ điều kiện về tài chính để đầu tư, nâng cấp và xây mới một số công trình khác trên khu B, khu C... Theo bà Ngô Thị Tuyết, Trưởng Ban quản lý chợ Rồng thì việc chuyển đổi mô hình quản lý ở chợ Rồng sẽ giải quyết được hai vấn đề. Thứ nhất là tập trung được nguồn tài chính của các thành phần kinh tế để giải quyết dứt điểm nguồn vốn vay ngân hàng. Thứ hai là có điều kiện để kêu gọi đầu tư, mở rộng quy mô ở khu B, khu C để tăng số lượng thương nhân đến tham gia kinh doanh tại chợ vì hiện nay có rất nhiều người đến đăng ký kinh doanh nhưng diện tích mặt bằng không cho phép. Mặt khác, chợ Rồng có đủ điều kiện để bố trí, sắp xếp những khu vực riêng biệt cho từng nhóm hàng; mở rộng một số khu vực để kinh doanh mặt hàng mới có lợi thế của địa phương như hàng cói, hàng thêu ren, cơm cháy, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc...; quy hoạch lại khu gửi xe cho khoa học, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, tránh được tình trạng ách tắc, chồng chéo và chật chội như hiện nay.
Đối với những thương nhân buôn bán tại chợ Rồng, khi hỏi về việc chuyển đổi mô hình quản lý, ông Đinh Kim Thành, 75 tuổi, kinh doanh ở ki - ốt số 54, khu trung tâm - người đã có 12 năm buôn bán tại chợ Rồng cho biết: Việc chuyển đổi mô hình quản lý là cần thiết.
Trong nền kinh tế thị trường, việc thực hiện cổ phần hóa chợ Rồng là một nhu cầu tất yếu.
Những đề xuất, kiến nghị
Trước thực trạng hiện nay ở chợ Rồng Ninh Bình, đã có nhiều ý kiến nêu ra những giải pháp, kiến nghị về việc sử dụng diện tích mặt bằng khu vực chợ Rồng sao cho đảm bảo mỹ quan thành phố.
Ông Đinh Quốc Trung ở phố 9, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình góp ý: Khu vực chợ Rồng hiện nay nên cho giải tỏa để làm công viên, xây dựng khu vui chơi, giải trí, tạo cảnh quan môi trường. Cần một diện tích mặt bằng lớn hơn để xây dựng một trung tâm thương mại khang trang, hiện đại rồi chuyển chợ Rồng về vị trí đó... Xét thấy hiện nay, Trung tâm hội nghị của tỉnh đã khánh thành và đưa vào sử dụng, nhà văn hóa thành phố không còn phát huy hết tác dụng nữa. Khu vực Nhà hát chèo và nhà văn hóa thành phố nên để xây dựng một khu thương mại cao tầng cho chợ Rồng, xung quanh là bãi đỗ xe...
Ông Đinh Kim Thành, 75 tuổi ở thành phố Ninh Bình thì lại có ý kiến trái ngược: Chợ Rồng Ninh Bình là chợ truyền thống, không thể chuyển đi được. Địa thế của chợ Rồng gần giống với chợ Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cần tham khảo mô hình này. Mặt chính của chợ Côn Minh quay ra phía bờ sông, ở đó họ làm một hệ thống liên hoàn gồm nhiều chiếc cầu trang trí theo kiểu cầu Thê Húc (Hà Nội). Những chiếc cầu này được phân làn, phân luồng cụ thể. Có cầu chỉ dành cho người đi bộ, xe ô tô con, có cầu chỉ dành cho xe tải chở hàng hóa, có cầu làm bãi đỗ xe. Tất cả các cầu trên đều phải đi theo một chiều, có lối vào, lối ra nên không bao giờ bị tắc nghẽn giao thông...
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty thiết kế xây dựng Nhật Minh thì đưa ra ý tưởng xây dựng cầu cảng trên sông Vân để quay mặt chính của chợ Rồng ra đường Hoàng Diệu, vừa giải quyết được vấn đề bãi đỗ xe, vừa thuận tiện về giao thông...
Chị Bùi Thị Minh Hằng ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình thì góp ý: Nên mở rộng đường Dương Vân Nga, đoạn tiếp giáp với đường Trần Hưng Đạo (đối diện với Bưu điện tỉnh) để làm đường chính vào khu vực chợ Rồng, con đường này chạy dọc theo bờ sông Vân, nối thẳng ra hồ Máy Xay chứ không nên để ngắt đôi con đường này ở khu trung tâm chợ Rồng như hiện nay. Khu B, khu C chợ Rồng nên xây dựng chợ đêm, khu vui chơi, ẩm thực như một số tỉnh khác đang thực hiện. Thành phố Ninh Bình đang hướng tới một thành phố du lịch trong tương lai, mục tiêu giữ du khách ở lại nhiều ngày mà không có địa điểm để họ tham quan, ngắm cảnh, mua sắm đồ lưu niệm và thưởng ngoạn những đặc sản của Ninh Bình như thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc, rượu Kim Sơn... thì khó có thể giữ họ ở lâu được.
Chợ Rồng Ninh Bình nằm bên dòng sông Vân thơ mộng, ngoài vai trò là nơi kinh doanh buôn bán, chợ Rồng còn mang đậm tính văn hóa. Trong lộ trình phấn đấu để thành phố Ninh Bình trở thành thành phố du lịch trong tương lai, thiết nghĩ ngoài những lợi ích về KTXH thì văn hóa mua sắm, văn hóa ẩm thực... cũng không thể xem nhẹ. Du khách về Ninh Bình tham quan các danh lam, thắng cảnh, dạo quanh đôi bờ sông Vân, thưởng thức đặc sản nổi tiếng của quê hương, mua sắm đồ lưu niệm để làm quà cho những người thân chưa có điều kiện về thăm Ninh Bình, đó cũng là mong muốn của nhiều người dân và đông đảo du khách gần, xa...
Nên hay không nên thực hiện cổ phần hóa chợ Rồng? Nên hay không nên xây dựng hệ thống cầu liên hoàn, cầu cảng, mở rộng đường Dương Vân Nga để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông? Nên hay không nên xây dựng một Trung tâm thương mại hiện đại khu vực chợ Rồng; khu chợ đêm bán hàng lưu niệm, khu ẩm thực; khu vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu dân sinh và du khách? Đó là câu hỏi, là những ý kiến tâm huyết, mang tính xây dựng để các ngành chức năng, các nhà hoạch định chính sách có thêm một kênh thông tin để nghiên cứu, thực hiện, để chợ Rồng Ninh Bình xứng đáng là Trung tâm thương mại hiện đại, xứng tầm với xu thế phát triển của thời đại, góp phần làm cho diện mạo của thành phố Ninh Bình ngày càng đổi mới, phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội lớn nhất của tỉnh.
Bài, ảnh: Xuân Tứ