Để có được cơ ngơi như ngày nay là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của anh và gia đình. Anh Đô tâm sự: Yên Khánh là huyện thuần nông, hàng năm người nông dân "bám trụ" trên đất gieo trồng 2 vụ lúa. Những năm gần đây, Yên Khánh làm thêm vụ thứ 3 với việc mở rộng diện tích cây vụ đông. Tuy đã có nhiều thay đổi nhưng đời sống của nhiều người dân vẫn còn khó khăn, tình trạng thiếu việc làm còn khá phổ biến trong những lúc nông nhàn.
Từ năm 2002 đến nay, huyện cùng với chính quyền các xã đưa ra nhiều biện pháp phát triển ngành nghề thủ công, giúp nông dân có việc làm và thu nhập. Trong đó, trồng nấm đã trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Từ thuận lợi đó, năm 2005 anh đã đầu tư vào sản xuất các loại nấm nhưng với quy mô nhỏ.
Qua hơn 4 năm vừa làm, vừa học tập, thông qua các buổi tập huấn, hướng dẫn của các lớp chuyển giao KHKT về việc trồng, sản xuất và chế biến nấm ăn do các tổ chức Đoàn, Hội của xã và của huyện tổ chức; qua nghiên cứu sách, báo, các tài liệu, anh thấy điều thuận lợi cho mình là ở xã và các vùng lân cận với đặc điểm là xã thuần nông nên nguyên liệu để làm nấm rất sẵn như: mùn cưa, rơm rạ...
Tham quan trang trại sản xuất nấm của anh Nguyễn Văn Đô.
Mặt khác, anh thấy các loại nấm ăn như nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ là các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và được xem như là một loại "rau sạch" mà nhu cầu của người dân là rất lớn. Vì thế đến năm 2008, anh quyết đầu tư mở rộng vùng sản xuất nấm. Từ vốn tự có và vay mượn thêm gia đình, anh em, bạn bè... mua đất đầu tư xây dựng trang trại sản xuất nấm với tổng diện tích 5.000 m2, làm 15 lán sản xuất các loại nấm, tổng kinh phí xây dựng 1 tỷ đồng.
Được sự giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ sinh học (Viện Di truyền học, Bộ Nông nghiệp & PTNT) chỉ hai tháng sau anh đã có sản phẩm đưa ra thị trường. Sản phẩm của "vua" nấm (cái tên mà người dân xã Khánh Trung đặt cho anh Nguyễn Văn Đô) cứ ngày một tăng và được đưa đi tiêu thụ ở các thị trường: Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam...
Trung bình hàng năm anh cho tiêu thụ hàng trăm tấn sản phẩm nấm các loại thu về từ 500-600 triệu đồng, trừ chi phí còn được lãi trên 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân anh còn tạo việc làm cho 25-30 lao động ở địa phương lúc nông nhàn với thu nhập trên 1 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: Đức Lam