Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, GDÐH đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và nếu không có giải pháp mang tính đột phá, GDÐH nước ta sẽ tiếp tục tụt hậu.
Tăng quy mô nhưng chất lượng đào tạo còn thấp
Cùng với nhiệm vụ phát triển giáo dục, GDÐH trong những năm qua phát triển khá rầm rộ, nhất là việc đa dạng hóa về loại hình trường và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo. Nếu năm 1987, cả nước chỉ có 101 trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) (63 trường ÐH, 38 trường CÐ) thì đến năm 2009 có 376 trường ÐH, CÐ (150 trường ÐH, 226 trường CÐ), tăng gấp sáu lần. Ðáng chú ý, ngoài việc nâng cấp, thành lập mới hệ thống trường ÐH, CÐ công lập, hệ thống trường ÐH, CÐ ngoài công lập chiếm tỷ lệ khá lớn. Số lượng trường ÐH, CÐ mới thuộc các vùng cao, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, mặc dù hệ thống mạng lưới trường ÐH, CÐ đã không ngừng được tăng cường, phát triển như nêu trên nhưng chưa mạnh, nhất là chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Nhìn nhận và đánh giá về GDÐH mới đây, lãnh đạo ngành GD và ÐT thừa nhận: Nhìn chung, chất lượng GDÐH còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng. Chưa tạo được sự đồng thuận về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người dạy, người học, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội. Ðáng chú ý, việc quản lý nhà nước về GDÐH còn nhiều bất cập, trì trệ. Do đó, ba câu hỏi lớn trong GDÐH hiện nay là: Chất lượng đào tạo của các trường, các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo và hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ÐH, CÐ công lập như thế nào vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Bộ GD và ÐT cho biết: Việc chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường ÐH, CÐ trong cả nước, Bộ GD-ÐT chỉ quản lý 54 trường (14,4%), còn lại là do các bộ, ngành và các địa phương quản lý. Trong khi đó, chưa có sự phối hợp, "liên thông" giữa các cơ quan quản lý này. Cũng từ khâu quản lý lỏng lẻo nói trên, dẫn đến việc nhiều trường ÐH, CÐ thành lập; nhất là nhiều trường ở dạng "ba không"; tức không có trường lớp, không đủ đội ngũ giảng viên, không có chương trình, giáo trình vẫn hoạt động một cách bình thường! Qua công tác kiểm tra, thanh tra cho thấy, trong vài năm gần đây, có khoảng 20% số trường ÐH, CÐ (12 trường) chưa thực hiện đầy đủ các cam kết trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh; chưa chuẩn bị đồng bộ bốn yếu tố: về đất đai xây dựng trường, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng, vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị...). Tuy nhiên, hằng năm, các trường này vẫn được tuyển sinh một cách bình thường!
Một vấn đề bất cập khác đang diễn ra trong hệ thống GDÐH là khâu đánh giá và kiểm định chất lượng. Lãnh đạo ngành GD-ÐT thừa nhận: Thực tế gần 30 năm qua, chưa thật sự quản lý được chất lượng GDÐH vì chưa có chuẩn đầu ra (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp), chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào (giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất); chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hằng năm chưa có đánh giá thực tế và chưa có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống GDÐH. Mặc dù, hai năm qua Bộ GD-ÐT đã tiến hành kiểm định chất lượng ở 20 trường ÐH được coi là tốp trên. Kết quả đã có từ đầu năm nay nhưng hiện vẫn chưa được công bố một cách công khai. Rõ ràng là nhìn lại, có thể thấy hệ thống GDÐH của nước ta hiện đông nhưng chưa mạnh, mở rộng quy mô nhưng chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.
Ðâu là khâu đột phá?
Trước nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cũng như hội nhập với xu hướng phát triển GDÐH trong khu vực và quốc tế, hơn bao giờ hết, GDÐH cần có bước chuyển mới, bứt phá và đi lên. Một cuộc thảo luận rộng rãi do ngành chủ quản khởi xướng đang dấy lên, đó là: Không thể tiếp tục phát triển quy mô mà buông lỏng quản lý chất lượng GDÐH như thời gian qua. Một lần nữa, ngành GD và ÐT tiếp tục khẳng định, đổi mới quản lý nhà nước là khâu đột phá để bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Từ đầu năm học 2009-2010, ngành đề ra chủ trương "ba công khai", công khai cam kết chất lượng giáo dục và mức chất lượng thực tế được đánh giá; công khai nguồn lực của trường phục vụ cho đào tạo (giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình...); công khai thu chi tài chính và yêu cầu các trường thực hiện một cách nghiêm túc. Thế nhưng, việc thực hiện vẫn chậm chạp, thậm chí nhiều trường còn vi phạm nghiêm trọng quy định này. Ðể chấn chỉnh, mới đây ngành chỉ thị, đến tháng 1-2010, cơ sở đào tạo nào không thực hiện ba công khai sẽ xem xét và ngừng tuyển sinh. Mặt khác, ngành cũng sớm đổi mới hệ thống quản lý bằng cách hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường; quy định chặt chẽ hơn về việc phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD và ÐT với các bộ, ngành cũng như UBND tỉnh, thành phố đối với các trường ÐH, CÐ. Một yêu cầu khác được đặt ra một cách cấp bách là, trước tháng 12-2010, các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo. Một trong những giải pháp khác, trước mắt cần tính đến là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên bằng cách bồi dưỡng nâng cao trình độ, tăng số lượng giảng viên được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Bộ GD và ÐT cho biết: Thực hiện quy hoạch đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đầu năm 2020 ở tất cả các trường ÐH, CÐ. Từ năm 2010, mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước, 1.000 giảng viên làm tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài. Ngay trong năm học này, thực hiện việc sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của giảng viên. Chương trình đào tạo trong các trường ÐH, CÐ cũng cần tiếp tục chuẩn hóa theo hướng hiện đại, tiên tiến, phù hợp tình hình thực tiễn trong nước cũng như xu hướng phát triển của GDÐH trong khu vực và trên thế giới.
Việc thi và tuyển sinh vào ÐH, CÐ cũng cần được đổi mới, cải tiến theo hướng hiệu quả và thiết thực; nhất là bảo đảm sự công bằng và đánh giá thực chất; tuyệt đối không để xảy ra hiện tượng tiêu cực. Hệ thống GDÐH cần tiếp tục thực hiện chuyển đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ, xây dựng phần mềm quản lý dùng chung trong các trường theo hình thức đào tạo mới này. Một vấn đề không kém phần quan trọng, ngành GD và ÐT cần chủ động phối hợp các tổ chức kiểm định chất lượng ở các nước tiên tiến để sớm hình thành hệ thống các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục, vì đây là một trong những hạn chế của GDÐH nước ta trong thời gian dài vừa qua. Ðáng chú ý, đã đến lúc cần tính đến các tổ chức kiểm định chất lượng phải hoàn toàn độc lập, nằm ngoài sự quản lý của ngành GD và ÐT. Có vậy việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục mới khách quan và công bằng hơn.
Theo Nhandan