Phóng viên (P.V): Bác có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác khuyến học, khuyến tài ở phố Vạn Sơn?
Bác Lê Thị Bích: Phố Vạn Sơn chúng tôi có 130 hộ gia đình, chủ yếu là cán bộ, công chức, người lao động thuộc các ngành nghề. Do đó, dù đời sống kinh tế các gia đình trong phố có khác nhau, có những hộ buôn bán nhỏ, lao động làm tại các nhà máy, xí nghiệp… nhưng hầu hết các gia đình rất quan tâm đến sự học của con em. Mặc dù trên địa bàn phố và xung quanh khu dân cư có nhiều cửa hàng game, điện tử nhưng trẻ em trong phố không có cháu nào sa đà vào các trò chơi đó, các cháu đều chăm ngoan, vâng lời thầy cô, cha mẹ. Các gia đình đều tạo điều kiện để con em mình được học tập trong môi trường và điều kiện tốt nhất.
Đây là động lực để phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển rộng khắp. Hàng năm, số học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp của phố đều tăng, từ 53 cháu (năm 2009) đã tăng lên 86 cháu (năm 2014), trong đó có 32 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố, 3 học sinh giỏi quốc gia…Việc vận động xây dựng quỹ khuyến học của phố hàng năm đều nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của 100% gia đình, các doanh nghiệp, cá nhân.
Không chỉ góp phần xây dựng quỹ khuyến học, nhiều gia đình còn quan tâm, hỗ trợ kinh phí, tham gia việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cho trẻ em trong phố dịp hè, dịp trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi…Đến nay, 100% hộ gia đình trong phố đều đăng ký và được công nhận là gia đình hiếu học. Phố Vạn Sơn nhiều năm liền là phố tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài của phường Thanh Bình và thành phố Ninh Bình.
PV: Thưa bác, nghe qua thì có cảm giác là làm công tác khuyến học ở khu dân cư như phố Vạn Sơn không vất vả lắm?
Bác Lê Thị Bích: Điều đó không hoàn toàn đúng bởi làm khuyến học không chỉ là việc đi vận động xây dựng quỹ khuyến học và tổ chức khen thưởng, trao quà là xong. Thuận lợi trong thực hiện công tác khuyến học ở phố Vạn Sơn là cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và người dân rất quan tâm nên mọi hoạt động được tổ chức đạt hiệu quả, thu hút đông người dân tham gia.
Ngay từ những ngày đầu tôi mới nhận nhiệm vụ, khi đến từng nhà để vận động gây quỹ, các đồng chí bí thư chi bộ và tổ trưởng tổ dân phố còn nhiệt tình đi cùng. Các cuộc họp của ban khuyến học phố các đồng chí cũng tham dự để cùng chia sẻ, giải quyết những tình huống, những công việc phát sinh. Điều đó động viên những người làm công tác khuyến học chúng tôi rất nhiều. Bên cạnh đó, do nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài đối với sự học của con em nên mỗi gia đình trong phố đều tích cực và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, tình cảm trong nhiều hoạt động do Ban khuyến học phố tổ chức.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, những người làm công tác khuyến học chúng tôi luôn trăn trở là vai trò của cán bộ khuyến học phải thể hiện như thế nào để góp phần thúc đẩy phong trào học tập của con em trong phố, tạo niềm tin với người dân? Trong quá trình thực hiện công tác khuyến học, bản thân tôi nhận thấy lứa tuổi các cháu đang cắp sách đến trường khá đông, cả phố có gần 100 cháu. Đây là lứa tuổi cần sự quan tâm sát sao của gia đình, bố mẹ để các cháu có định hướng đúng đắn, không sa đà vào các trò chơi thiếu lành mạnh. Tuy nhiên, một số gia đình do công việc, mưu sinh…nên chưa quan tâm thường xuyên đến việc học của con em. Đã có một số trường hợp qua bạn bè phản ánh hoặc qua sinh hoạt ở phố tôi thấy có biểu hiện sao nhãng học tập, ham chơi điện tử…
Vậy là tôi dành thời gian đến gặp phụ huynh các cháu để trò chuyện, tìm hiểu, cùng gia đình có hướng giúp đỡ con cháu. Hoặc trong dịp hè, khi tổ chức sinh hoạt hè cho trẻ em trong phố, Ban khuyến học phố và bản thân tôi đã trực tiếp tham gia luyện tập, hướng dẫn các cháu tập văn nghệ, chuẩn bị các tiết mục tham dự hội diễn, cuộc thi của phường…Nhìn thấy cán bộ khuyến học như tôi tuổi đã cao mà vẫn nhiệt tình với hoạt động của con trẻ, dạy và biên đạo cả các tiết mục văn nghệ, nhiều chị em trong phố đã chia sẻ và ủng hộ bằng cách không chỉ động viên và tạo điều kiện cho con cái tham gia vui chơi mà còn xắn tay vào ủng hộ kinh phí, cùng tham gia chuẩn bị các điều kiện cho con cái vui chơi, tham gia các hoạt động tập thể…Qua những hoạt động như thế, khi cán bộ khuyến học đi tuyên truyền, vận động, ai cũng tin tưởng và ủng hộ.
PV: Thưa bác, vậy đâu là lý do để một cán bộ Hội phụ nữ như bác khi về nghỉ hưu vẫn nhiệt tình với hoạt động khuyến học tại khu dân cư cho đến nay?
Bác Lê Thị Bích: Năm 2001 sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh, tôi về nghỉ hưu tại phố Vạn Sơn. Vài năm sau, khi được cấp ủy phân công đảm nhiệm công tác khuyến học của phố, tôi đã bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ với suy nghĩ: bản thân mình luôn yêu con trẻ, mong muốn được dành những gì tốt đẹp nhất cho con trẻ nên việc được tín nhiệm bầu là chi hội trưởng chi hội khuyến học phố cũng là một cách để thể hiện tình cảm của bản thân đối với lứa tuổi măng non, nhất là được góp phần động viên, khích lệ các cháu trong rèn luyện, học tập.
Bên cạnh đó, do những năm công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh ở cương vị Chủ tịch Hội, tôi đã cùng nhiều cán bộ tỉnh Hội về tận cơ sở chỉ đạo công tác khuyến học, khuyến tài nên ít, nhiều có kinh nghiệm trong thực hiện công tác khuyến học. Đồng thời, khi sinh sống tại phố tôi nhận thấy có những gia đình, dù hoàn cảnh kinh tế chưa khấm khá nhưng rất quan tâm đến việc học của con em. Hay có gia đình, do hoàn cảnh khó khăn nên khi con cái bị bệnh hiểm nghèo rất cần sự chia sẻ, quan tâm giúp đỡ của hàng xóm, những người xung quanh…
Những trường hợp kể trên nếu được tuyên dương, khen thưởng, giúp đỡ, chia sẻ kịp thời sẽ là nguồn động viên rất lớn đối với gia đình họ. Đó là những việc làm mà công tác khuyến học cần quan tâm và hướng tới. Gắn bó với công tác khuyến học từ đó đến nay, điều làm tôi cảm thấy vui và hạnh phúc là các cháu trong phố luôn chăm ngoan, vâng lời bố mẹ, rất lễ phép, biết chào hỏi người lớn từ xa. Nhiều năm qua phố không có trường hợp trẻ em bỏ học hoặc sa vào các tệ nạn xã hội.
PV: Xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện!
Phan Hiếu (Thực hiện)