Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 9,5%/năm xuống 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 7,5%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng giảm từ 9,5%/năm xuống 8%/năm.
Với phần dự trữ bắt buộc bằng tiền đồng mà các ngân hàng thương mại gửi ở Ngân hàng Nhà nước, lãi suất giảm mạnh hơn, từ 8,5% hiện nay xuống còn 3,6% một năm.
Các quyết định của Ngân hàng Nhà nước được ký ban hành chiều nay, và có hiệu lực từ 1/2/2009. Như vậy, các ngân hàng sẽ khai xuân với mặt bằng lãi suất mới, thấp chỉ bằng một nửa thời lãi suất cơ bản ở mức 14% một năm.
Hôm 22/12/2008, lãi suất cơ bản cũng giảm 1,5% so với mức cũ là 10%. Trước khi Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định chính thức, nhiều người đồn đoán mức giảm có thể lên đến 3%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu ngay tại thời điểm đó, lãi suất cơ bản được đưa về 7% sẽ gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại, trong bối cảnh họ vẫn chưa xử lý ổn thỏa số vốn huy đồng thời lãi suất cao. Quyết định cắt giảm lãi suất chiều 23/1 được thị trường ngầm hiểu như một động thái tiếp theo, nhằm thực hiện nốt phần cắt giảm dở dang trước đó.
Ít phút sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định mới, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cũng quyết định hạ lãi suất cho vay, trong đó lãi vay ưu đãi chỉ là 8,5% trong khi vay thông thường là 1%, thấp hơn mức trần quy định.
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc điều chỉnh giảm lãi suất nêu trên là nhằm triển khai các giải pháp cấp bách của Chính phủ, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm cho người lao động, trong điều kiện nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới.
Theo TinTuc